Cách làm hay, mô hình mới, phương pháp sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

SỚM MAI 05:50, 11/12/2024

STO - Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cần phải định hướng lâu dài, hiệu quả bền vững và chất lượng nâng cao. Đó là mục tiêu, kết quả đạt được của Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thạch Thị Kế Rin - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng.

Phóng viên: Xin đồng chí vui lòng cho biết về công tác tuyên truyền pháp luật trong vùng ĐBDTTS trong năm 2024?

Đồng chí Thạch Thị Kế Rin: Xác định công tác TTPBGDPL là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cầu nối để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, cùng các địa phương không ngừng đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh công tác này, nhất là trong vùng ĐBDTTS.

Đồng chí Thạch Thị Kế Rin - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng.

Thực hiện chỉ đạo trên, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BDT, ngày 11/1/2024 về tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024; Kế hoạch số 32/KH-BDT, ngày 10/5/2024 thực hiện nội dung số 2 về PBGDPL và tuyên truyền, vận động ĐBDTTS, thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS giai đoạn I từ 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, năm 2024; Kế hoạch số 20/KH-BDT, ngày 19/3/2024 về hoạt động của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Sóc Trăng năm 2024. Tất cả nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác dân tộc; phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của thành viên Hội đồng trong tư vấn, giúp Hội đồng tham mưu UBND, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác PBGDPL. Qua đó, còn phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung các chính sách, pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, các vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín, học sinh, sinh viên, ĐBDTTS, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Việc TTPBGDPL cho ĐBDTTS ở Sóc Trăng được thực hiện quả: biên soạn, phát hành sách, sổ tay kỹ năng, hỏi đáp chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống ĐBDTTS; cung cấp các văn bản chính sách, pháp luật cho các đối tượng ở vùng ĐBDTTS; biên soạn, phát hành tờ gấp, pa nô, áp phích, băng rôn Việt - Khmer; tổ chức họp mặt để thông tin tình hình kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL và tuyên truyền, vận động ĐBDTTS; tổ chức hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ; xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ TTPBGDPL ở vùng DTTS; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm; phối hợp với Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin, ảnh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; tuyên truyền thông qua các lễ, hội, hoạt động văn hóa truyền thống của ĐBDTTS...

Đặc biệt, năm 2024, đơn vị đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh và UBND huyện, thị xã tổ chức tái hiện 8 phiên tòa xét xử các vụ án và Hội nghị thông tin chính sách, pháp luật mới liên quan đến ĐBDTTS tại cơ sở.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về việc phối hợp tổ chức phiên tòa tái hiện?

Đồng chí Thạch Thị Kế Rin: Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh và UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án và hội nghị thông tin chính sách, pháp luật mới liên quan đến ĐBDTTS năm 2024. Đây là lần đầu tiên Ban Dân tộc tỉnh phối hợp thực hiện hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua việc tái hiện phiên tòa xét xử.

Trong tháng 10 và 11/2024, các đơn vị đã tổ chức xong 8 phiên tòa tái hiện xét xử các vụ án hình sự tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh nơi có đông ĐBDTTS. Thông qua đó, đã thông tin, tuyên truyền và trang bị kiến thức tổng quan pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, văn bản pháp luật có liên quan đến các vụ án, các chính sách dân tộc mới cho trên 1.000 lượt đại biểu tham dự.

Phóng viên: Đồng chí nhận định như thế nào về việc phối hợp thực hiện hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua việc tái hiện phiên tòa xét xử?

Đồng chí Thạch Thị Kế Rin: Đây là hình thức tuyên truyền mới, sinh động, trực quan, sát với tình hình thực tế địa phương. Điều đó giúp người dân có cơ hội tiếp cận trực tiếp và hiểu rõ hơn các quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Tái hiện phiên tòa xét xử các vụ án cũng là một cách làm mới, sáng tạo trong công tác TTPBGDPL; khắc phục được các hạn chế của phương pháp, hình thức tuyên truyền. Hình thức này trực tiếp, dễ hiểu và dễ tiếp cận, đặc biệt hiệu quả đối với ĐBDTTS, nơi có thể gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin pháp lý qua các phương tiện truyền thông khác.

Ban Dân tộc tỉnh phối hợp lựa chọn việc tái hiện phiên tòa xét xử với nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, các tệ nạn xã hội như ma túy, mua bán người, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trật tự an toàn giao thông, chống người thi hành công vụ… Những tình huống được tái hiện giúp cho đại biểu dự hội nghị và người dân nhận thức đầy đủ, rõ hơn các hành vi phạm tội và hậu quả pháp lý để lại cho bản thân, gia đình, xã hội. Từ đó, tác động tích cực đến công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giảm thiểu các vi phạm pháp luật trong vùng ĐBDTTS; xây dựng niềm tin vào công lý và hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Qua tổ chức tái hiện các phiên tòa, Ban Dân tộc tỉnh đã nhận được phản hồi rất tích cực từ dư luận xã hội, người dân và chính quyền địa phương. Điều đó, minh chứng cho thấy hiệu quả rõ rệt, thiết thực trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, phòng ngừa vi phạm và xây dựng niềm tin vào hệ thống cơ quan tư pháp. Còn người dân, đặc biệt là ĐBDTTS cho rằng đây là cách tiếp cận pháp luật trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật. Chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức cũng nhận định hoạt động này không chỉ giáo dục pháp luật mà còn góp phần xây dựng niềm tin vào hệ thống cơ quan tư pháp, nhất là ở những khu vực khó tiếp cận pháp lý chính thức. Các cán bộ, công chức và tổ chức đoàn thể ghi nhận sự tham gia tích cực của xã hội vào công tác tuyên truyền.

Phóng viên: Đồng chí cho biết thêm, Ban Dân tộc tỉnh sẽ có những định hướng ra sao về tuyên truyền pháp luật trong vùng ĐBDTTS?

Đồng chí Thạch Thị Kế Rin: Để công tác TTPBGDPL trong vùng ĐBDTTS đạt hiệu quả thiết thực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục kiến nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi bổ sung một số nội dung mức chi hỗ trợ quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC, ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh quan tâm, phối hợp, chọn lựa các vụ việc, vụ án thường xuyên xảy ra trong thực tế đời sống về các lĩnh vực pháp luật hình sự, dân sự, hành chính để tổ chức tái hiện các phiên tòa được phong phú, đa dạng hơn. Hướng tổ chức về cơ sở khóm, ấp và cơ sở thờ tự vùng ĐBDTTS để tổ chức tái hiện xét xử các vụ án.

Đơn vị còn kết hợp các hình thức PBGDPL khác để nâng chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, trong tháng 12/2024, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức Hội thi “Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc năm 2024 - 2025” nhằm góp phần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Việc tuyên truyền, truyền thông góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trong vùng ĐBDTTS; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao niềm tin của ĐBDTTS với Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

SỚM MAI (Thực hiện)