Cạm bẫy từ bên kia biên giới

SONG LÊ 10:57, 29/12/2024

STO - Tội phạm mua, bán người ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trở lại, nổi lên là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với sự xuất hiện của nhiều đường dây mua bán người có tổ chức. Chịu ảnh hưởng từ tình hình chung, tỉnh Sóc Trăng 2 năm trở lại đây ghi nhận nhiều phụ nữ mắc bẫy việc nhẹ lương cao, lấy chồng nước ngoài, để rồi trở thành “món hàng” trong tay bọn tội phạm. Sau hành trình trở về, các nạn nhân đã có bài học sâu sắc về cạm bẫy nơi bên kia biên giới.

Kỳ 2: Ngày về và lời cảnh báo

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ mua bán người trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là xuất phát từ sự nhẹ dạ cả tin của các nạn nhân và gia đình. Khi họ nhận ra giấc mộng đổi đời chỉ là “tranh vẽ” thì đã muộn. Những cám dỗ “ngọt ngào” nhưng “chết chóc” của bọn buôn người đã để lại trong các nạn nhân những ám ảnh khó quên.

Ngày về trong mái ấm

Các nạn nhân sau cuộc trốn chạy khỏi bọn mua bán người, được đưa đến Ngôi nhà bình yên - một cơ sở tạm lánh an toàn, miễn phí của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngôi nhà này là nơi che nắng, che mưa cho những nạn nhân mua bán người vừa trở về từ bên kia biên giới. Tại đây, trước khi trở về với gia đình, các em được hỗ trợ về tâm lý, được tư vấn nghề nghiệp để nâng cao nhận thức và tìm một hướng đi tốt đẹp cho tương lai.

Thăm hỏi, động viên nạn nhân bị mua bán trở về. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trân - Quản lý của Ngôi nhà bình yên khu vực đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Nạn nhân mua bán người khi trở về bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý. Tại vì họ lo lắng, không biết là họ có thể quay trở về với gia đình hay không, quá trình sang chấn tâm lý này cứ tái đi tái lại, có nạn nhân khoảng thời gian đầu không ngủ được. Điều này đôi khi cũng dẫn đến hệ lụy nếu không có sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời. Ngôi nhà bình yên phần lớn là hỗ trợ các em bé gái dưới 18 tuổi. Tất cả các dịch vụ tại Ngôi nhà bình yên đều hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi hỗ trợ bình ổn tâm lý cho các bạn ấy. Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ cho các bạn ấy đi học nghề và hỗ trợ sinh kế”.

Khi trở về địa phương, các nạn nhân được hỗ trợ rất nhiều, phần lớn được tạo việc làm ở các công ty hoặc đang trong quá trình đào tạo nghề. Trải qua ranh giới “sinh tử”, các nạn nhân cũng nhận ra không có con đường nào dễ dàng để đi đến ấm no nếu như lười lao động, ham vật chất. Đằng sau những sự hứa hẹn hão huyền, đằng sau những phi vụ làm giàu nhanh chóng, rất có thể là những cái bẫy mà bọn tội phạm đang cài sẵn.  

Chuyên án về mua bán người mà lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng khám phá thành công, được xem là một trong những thành tích tiêu biểu. Bởi trong nhiều vụ việc, nạn nhân không trình báo, trình báo muộn hoặc do thủ phạm ở bên kia biên giới nên cơ quan điều tra rất khó xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Qua thực hiện chuyên án đã giải cứu thành công 6 nạn nhân, trong đó có 1 nạn nhân của tỉnh Trà Vinh. Niềm vui sum họp ngày trở về của các nạn nhân cũng chính là niềm vui của lực lượng đang làm nhiệm vụ vì bình yên của nhân dân.

Lời cảnh báo…

Đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng, những con số mà Cơ quan Cảnh sát điều tra nắm được chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm, trên thực tế, số vụ việc có dấu hiệu mua bán người có thể lớn hơn nhiều. Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, rồi đánh vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế để môi giới dưới hình thức là ra nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc làm việc với chiêu bài là việc nhẹ nhàng, lương cao hoặc lấy chồng nước ngoài thì sẽ có điều kiện để đổi đời.

Qua tập tài liệu chứa 21 đơn trình báo về việc thân nhân bị lừa ra nước ngoài và yêu cầu giải cứu mà Công an tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận, Trung tá Phạm Văn Ngang - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tệ nạn xã hội và mua bán người, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng khẳng định, tình trạng mua bán người đang diễn biến phức tạp với 2 thủ đoạn chính là lừa tuyển dụng việc nhẹ lương cao và dụ dỗ lấy chồng nước ngoài. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… để đăng các bài quảng cáo, tuyển lựa lao động với nội dung cam kết việc nhẹ, lương cao hoặc thông qua bạn bè, người quen để rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc.

Nạn nhân kể lại quá trình bị lừa gạt sang lao động ở bên kia biên giới. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đang đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa nghiệp vụ. Trung tá Phạm Văn Ngang khuyến cáo mọi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người như hình thức tuyển mộ lao động, giới thiệu việc làm, việc nhẹ lương cao, mai mối lấy chồng nước ngoài… Các đối tượng lừa đảo đều có chung thủ đoạn là vẽ viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp hơn, nhằm thay đổi cuộc sống của nạn nhân, từ đó đánh trúng vào tâm lý của nạn nhân, nạn nhân dễ dàng sập bẫy mà bọn buôn người đã giăng sẵn.

Thực tế cho thấy, phụ nữ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ gánh nặng kinh tế trong gia đình. Chính vì vậy, họ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các mục đích kiếm tiền, dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Với câu chuyện thực tế từ các nạn nhân, hy vọng sẽ là bài học cảnh tỉnh đối với những ai vì ham làm giàu nhanh chóng mà đặt lòng tin sai chỗ, để rồi phải trả một cái giá đắt nơi xứ người.

SONG LÊ - ĐỨC TRUNG