Cạm bẫy từ bên kia biên giới

SONG LÊ 09:59, 28/12/2024

STO - Tội phạm mua, bán người ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trở lại, nổi lên là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với sự xuất hiện của nhiều đường dây mua bán người có tổ chức. Chịu ảnh hưởng từ tình hình chung, tỉnh Sóc Trăng 2 năm trở lại đây ghi nhận nhiều phụ nữ mắc bẫy việc nhẹ lương cao, lấy chồng nước ngoài, để rồi trở thành “món hàng” trong tay bọn tội phạm. Sau hành trình trở về, các nạn nhân đã có bài học sâu sắc về cạm bẫy nơi bên kia biên giới.

Kỳ 1: Những lá đơn kêu cứu

Theo thống kê của Công an tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2023 đến giữa tháng 6/2024, công an đã tiếp nhận 21 đơn trình báo về việc thân nhân bị lừa ra nước ngoài và yêu cầu giải cứu. Những lá đơn là lời tố cáo tội ác của những kẻ buôn người.

Từ lá đơn kêu cứu…

Từ lá đơn tố cáo của em H (sinh năm 2009), ngụ thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) về việc bị một người phụ nữ tên Ngô Thị Kim Yến, nick Facebook “Yếnn Bắpp” lừa đảo. Qua điều tra, các trinh sát xác định người có nick Facebook là “Yếnn Bắpp” không phải là Ngô Thị Kim Yến như H viết trong đơn tố cáo, mà tên thật là Ngô Thị Mỹ Yên (sinh năm 2002), ngụ thị xã Vĩnh Châu. Đối tượng Yên đã dùng nick Facebook, Zalo “Yếnn Bắpp”, “Mỹ Yến” đăng thông tin tuyển dụng lao động độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, biết sử dụng máy tính căn bản, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, lương từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Yên lại hướng dẫn nạn nhân đi đến khu vực giáp biên giới, tổ chức cho xuất cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở sang Campuchia trong đêm tối, rồi bán vào công ty chuyên lừa đảo giới thiệu việc làm qua các trang mạng xã hội.

BĐBP Sóc Trăng làm việc với đối tượng trong đường dây mua bán người sang biên giới. Ảnh: VĂN LONG

Đại tá Bùi Văn Bình - Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sóc Trăng cho biết, khoảng gần cuối năm 2023, BĐBP Sóc Trăng tiếp nhận tin báo về một trường hợp nghi vấn bị lừa sang Campuchia để bán. Kết quả xác minh trong thời gian qua của những người có liên quan cho thấy có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao người để nhận tiền; dùng thủ đoạn để lừa gạt đưa nạn nhân ra khỏi biên giới; chuyển giao người để cưỡng bức lao động. Đường dây này có tổ chức liên hoàn và được xác định đây là một đường dây mua bán người.

Theo đó, BĐBP Sóc Trăng đã xác lập ban chuyên án và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp phá án. Cùng với đấu tranh, điều tra, xác minh, ban chuyên án đã hoàn chỉnh thủ tục bàn giao người, hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng. Đại úy Nguyễn Minh Cảnh - Điều tra viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ngô Thị Mỹ Yên về tội mua bán người dưới 16 tuổi, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra.

Theo lời khai của Yên, từ ngày 10/8 đến ngày 21/9/2023, Ngô Thị Mỹ Yên đã lừa thành công 4 nạn nhân bán vào các công ty lừa đảo ở Campuchia, thu lợi được 600 USD. Bên cạnh đó, Yên cũng khai báo có 2 nạn nhân ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị đồng bọn của mình lừa bán sang Campuchia cũng với chiêu thức, thủ đoạn như trên. Tại Campuchia, các nạn nhân bị bóc lột sức lao động, phải làm việc liên tục từ 13 - 16 giờ hằng ngày và không trả lương đầy đủ. Nếu muốn về lại Việt Nam, họ phải nộp cho chúng một khoản tiền chuộc không nhỏ.

Cũng vì mưu sinh

Nghèo khó, không được đi học, lấy chồng và sinh con khi còn trẻ, sau đó hôn nhân đổ vỡ, cuộc sống của em M (sinh năm 2006), ngụ thị xã Vĩnh Châu càng thêm khó khăn. Nghe người môi giới nói lấy chồng nước ngoài sẽ thay đổi cuộc đời, M đã chấp nhận vì nghĩ rằng đây có lẽ là hướng tốt nhất ở thời điểm đó. Song tia sáng hy vọng ấy nhanh chóng vụt tắt, khi đến gần cửa khẩu, M nhận ra là mình bị lừa bán sang Trung Quốc. M kể lại: “Họ nói đi sang Trung Quốc là người ta cưới bên đó, rồi cho 120 triệu đồng. Do ở quê không có việc làm ổn định, em và các con là gánh nặng cho ba mẹ nên mới quyết định đi. Khi sang bên đó thì bị nhốt, bắt làm việc, bị đánh đập suốt ngày. Em cứ tưởng là không còn được ngày về…”.

Cơ quan chức năng của Công an tỉnh Sóc Trăng lần theo những lá đơn kêu cứu, điều tra xác minh để phá án. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Một nạn nhân khác là em T, ngụ huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Vốn dĩ đã có công việc tương đối ổn định, thu nhập cũng có thể đảm bảo được cuộc sống, nhưng tin vào những lời quảng cáo rằng qua biên giới Campuchia làm việc sẽ có mức lương hấp dẫn, công việc lại nhẹ nhàng nên đã T đồng ý. T nhớ lại: “Thực tế không như vậy, công việc của em phải làm là lừa đảo qua mạng. Họ bắt em sử dụng 5 cái nick Facebook lừa đảo bằng cách kết bạn hẹn hò rồi tạo niềm tin để chiếm đoạt tiền. Nếu trong tuần mà không có khách bị lừa nạp tiền vô aap là em bị các đối tượng đánh đập không thương tiếc”.

Không chịu được cảnh hành hạ, T đã cầu cứu gia đình. Bọn buôn người ra giá 100 triệu đồng, đây là số tiền quá lớn. Mẹ T đã khóc hết nước mắt bởi nếu không sớm lo tiền chuộc thì có khả năng sẽ không còn được gặp con nữa. Gia đình T đã liên lạc với môi giới lao động ở Campuchia, bọn chúng chấp nhận cho chuộc người với giá 70 triệu đồng.

Mắc kẹt trong chính sự lựa chọn sai lầm của mình, có người đã phải trả giá đắt khi để chuộc lại bản thân, họ phải gánh một khoản nợ khổng lồ, người không may thì vẫn đang sa vào vòng xoáy tội lỗi, tiếp tục trở thành “món hàng” trong tay bọn tội phạm. Ra đi với ước vọng kiếm tiền đổi đời để rồi lại phải vay mượn tiền để chuộc lại mạng sống của chính mình.

SONG LÊ - ĐỨC TRUNG

(Còn tiếp)