Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được thông qua là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, hướng đến mục tiêu minh bạch hóa và tối ưu hóa hiệu quả quản lý thuế. Luật gồm 4 chương và 17 điều, quy định các nội dung cốt lõi như: thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, đối tượng không chịu thuế, thuế suất thuế giá trị gia tăng, nâng ngưỡng doanh thu không phải chịu thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, hoàn thuế giá trị gia tăng và hiệu lực thi hành.
Cụ thể, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng được quy định như sau: Đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền; đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm: Hàng hóa từ Việt Nam bán cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; hàng hóa từ nội địa Việt Nam bán cho tổ chức trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu; hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh; hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế. Dịch vụ xuất khẩu, bao gồm: Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức ở trong khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu.
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định, mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa là phân bón sẽ tác động sâu rộng tới cả doanh nghiệp sản xuất phân bón và nông dân. Ảnh minh họa: HOÀNG LAN |
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu khác gồm: Vận tải quốc tế; dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp hoặc thông qua đại lý cho vận tải quốc tế; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan; sản phẩm nội dung thông tin số cung cấp cho bên nước ngoài và có hồ sơ, tài liệu chứng minh tiêu dùng ở ngoài Việt Nam theo quy định của Chính phủ; phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc, thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; hàng hóa gia công chuyển tiếp để xuất khẩu theo quy định của pháp luật; hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại điểm d khoản này.
Các trường hợp không áp dụng thuế suất 0% gồm: Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng; chuyển nhượng vốn; sản phẩm phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu quy định tại khoản 23 Điều 5 của luật này; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ôtô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% quy định tại khoản này.
Điểm nổi bật của luật quy định, mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa là phân bón. Ngoài ra, mức thuế suất 5% còn được áp dụng cho dịch vụ nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật; dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
Sản phẩm cây trồng, rừng trồng (trừ gỗ, măng), chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của luật này; mủ cao su dạng mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; xơ bông đã qua chải thô, chải kỹ; giấy in báo; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ…
Một điểm mới nổi bật nữa của luật sửa đổi năm 2024 cũng quy định: Hộ kinh doanh cá nhân có doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế giá trị gia tăng. So với quy định cũ, mức ngưỡng này đã tăng gấp đôi, từ 100 triệu đồng/năm lên 200 triệu đồng/năm. Đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh rất phấn khởi về quy định nâng doanh thu hằng năm không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Bởi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của địa phương, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế, doanh nghiệp, cá nhân cần nghiên cứu kỹ, tránh vi phạm.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, ngoại trừ quy định về doanh thu của hộ kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế, sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2026. Việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là một dấu mốc quan trọng, không chỉ giúp tăng cường hiệu quả quản lý thuế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Doanh nghiệp và cá nhân cần sớm cập nhật để tuân thủ và tận dụng tối đa các ưu đãi mà luật mang lại. |
HOÀNG LAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin