Luật HGĐTTTA chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, nhằm hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, xây dựng khối đại đoàn kết, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Quan trọng, nếu đương sự tự nguyện hòa giải, đối thoại thành, các vụ việc không phải trải qua nhiều thủ tục tiếp theo. Qua đó, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Một buổi hòa giải tại tòa của đơn vị Tòa án nhân dân huyện Cù Lao Dung. Ảnh: SỚM MAI |
Đối với tòa án, hiệu quả của hoạt động hòa giải, đối thoại là một trong những giải pháp căn cơ, giúp giải quyết tốt khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hằng năm các tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp (tăng từ 15 - 20%). Vì quyền lợi của đương sự, chất lượng của hệ thống, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh quyết liệt chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác này.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, số vụ việc chuyển qua hòa giải và tỷ lệ hòa giải thành tăng “đột biến” qua từng năm. Nếu năm đầu triển khai thực hiện (năm 2021), số vụ việc chuyển qua hòa giải đạt không quá 1% (chuyển sang hòa giải, đối thoại 48 vụ việc/trên 5.000 hồ sơ khởi kiện và hòa giải, đối thoại thành 28 vụ việc) thì năm 2024, các đơn vị tòa án đã chuyển cho hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại 2.405 vụ việc, chiếm trên 20% tổng lượng án thụ lý và đã hòa giải thành 2.068 vụ việc (đạt gần 86% so với vụ việc chuyển qua hòa giải), trong đó, cấp tỉnh hòa giải thành 27 vụ việc (đạt 100%), cấp huyện hòa giải thành 2.041 vụ việc (đạt 85,83%).
Để có được sự chuyển biến tích cực trên là cả quá trình nỗ lực của từ nhiều phía, trọng tâm là sự đổi mới, đột phá từ khâu lãnh đạo của Tòa án nhân dân tỉnh. Cũng theo đồng chí Nguyễn Hoàng Lâm, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật HGĐTTTA; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh với vai trò trưởng ban và thành viên là trưởng các phòng nghiệp vụ, chánh án tòa án cấp huyện. Mặt khác, Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật HGĐTTTA. Yêu cầu công chức hai cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại; phát động phong trào thi đua trong hai cấp và đây cũng là chỉ tiêu thực hiện hằng năm của hệ thống tòa án. Đặc biệt, nhờ có sự phối hợp, hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền từ các cơ quan thông tin đại chúng, Luật HGĐTTTA đã đến gần với người dân hơn.
Thêm vào đó, đội ngũ hòa giải viên rất “chất” đã quyết định đến sự thành công của cơ chế HGĐTTTA. Mỗi đơn vị tòa án đều có tổ hành chính tư pháp và có 1 hòa giải viên thường trực để tuyên truyền về công tác này. Hiện nay, hai cấp có 50 hòa giải viên có năng lực, tâm huyết với công việc, có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và khả năng thuyết phục cao. Đội ngũ này phần lớn nguyên là công chức từng phục vụ trong các cơ quan tư pháp hoặc liên quan đến lĩnh vực pháp luật. Do vậy, họ thể hiện tốt vai trò của mình là người trung gian, hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt giữa các bên tranh chấp; hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết một cách ổn thỏa.
Ông Nguyễn Thành Tâm - hòa giải viên thuộc đơn vị Tòa án nhân dân huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Tùy từng lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp mà hòa giải viên có những phương pháp động viên, thuyết phục khác nhau. Trước khi thực hiện hòa giải, tôi luôn giải thích, nêu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp; trình tự, thủ tục tố tụng và lợi ích khi thực hiện hòa giải tại tòa án để người dân cân nhắc, xem xét, lựa chọn hướng giải quyết phù hợp nhất”.
Không những vậy, tòa án hai cấp còn quan tâm sắp xếp, bố trí phòng làm việc, kịp thời mua sắm các trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác hòa giải, đối thoại tại đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của hòa giải viên. Chính vì thế, đương sự ngày càng hướng về lựa chọn con đường hòa giải tại tòa thay vì tiếp tục con đường tố tụng. Nhờ vậy, đã giúp tòa án giải quyết khối lượng lớn công việc, trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng lên qua từng năm. Khi đó, thẩm phán sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc nghiên cứu hồ sơ và nâng cao chất lượng giải quyết án...
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Lâm khẳng định: “Ban lãnh đạo đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng duy trì và nâng cao các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả đối với Luật HGĐTTTA, nhất là việc cân nhắc lựa chọn, bổ nhiệm hòa giải viên đảm bảo số lượng; tranh thủ sớm nguồn kinh phí từ trên liên quan đến công tác này”.
HGĐTTTA là một chính sách quan trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Năm 2024, tòa án hai cấp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện vượt các chỉ tiêu được giao, riêng Tòa án nhân dân tỉnh được đề nghị nhận Cờ thi đua của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp lớn của việc triển khai hiệu quả Luật HGĐTTTA.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin