Quang cảnh hội nghị. Ảnh: SỚM MAI |
Năm 2024, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đã có nhiều giải pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng thi hành án và thực hiện đạt, vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, toàn tỉnh đã thụ lý 19.241 việc (thụ lý mới tăng trên 16% việc so với cùng kỳ) và đã giải quyết xong 11.714 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 83,85% (vượt 0,5% so với chỉ tiêu; giải quyết tăng 13,85% so với cùng kỳ). Về tiền, thụ lý gần 3.909 tỷ đồng và đã giải quyết xong trên 917 tỷ đồng, đạt 54,18% (vượt 7,43% chỉ tiêu được giao; giải quyết về tiền tăng 43,24% so với cùng kỳ). Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp đảm bảo việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn, chính xác và thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc xác minh, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện; cơ bản khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án theo quy định... Như vậy, 3 năm liền (năm 2022, 2023, 2024), Thi hành án dân sự Sóc Trăng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, các cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ như: thiếu biên chế (6 biên chế), án tăng, án giá trị lớn; trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, một số đơn vị chưa có kho vật chứng; sự phối hợp với các cơ quan hữu quan đôi lúc chưa chặt chẽ; tài sản đảm bảo không đúng nội dung bản án, thực tế; tiến độ thi hành án một số vụ việc còn chậm… Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã có kế hoạch xác định nhiệm vụ trọng tâm và phát động phong trào thi đua trong năm 2025 để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác.
Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đến dự và chủ trì hội nghị (bìa trái). Ảnh: SỚM MAI |
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của thi hành án dân sự hai cấp trong năm 2024, cần khen thưởng kịp thời những đơn vị vượt, đạt cả 2 chỉ tiêu (việc, tiền). Nhưng hoạt động thi hành án vẫn còn nhiều khó khăn, các đơn vị thi hành án dân sự cần tham mưu, đề xuất cấp ủy địa phương để được hỗ trợ, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, cần quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, chấp hành viên trong thực hiện nhiệm vụ, vì đội ngũ này phải chịu áp lực lớn. Dự báo năm 2025, sẽ có nhiều khó khăn và án thụ lý về việc, tiền sẽ có khả năng tiếp tục tăng nên yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Cần quan tâm giải quyết án còn tồn đọng; khắc phục những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quán triệt thực hiện các chủ trương, văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy có liên quan trong toàn ngành. Đề cao kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đúng các quy định trong công vụ. Đối với các trường hợp tự nguyện thi hành án nhưng thuộc diện khó khăn, bệnh tật, người có công thì cần cân nhắc kỹ khi thực hiện, thể hiện tính nhân văn, chia sẻ và kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự. Cần tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao ra quyết định thi hành đúng quy định, nhất là liên quan án tham nhũng, ngân hàng.
Thi hành án dân sự hai cấp phải quyết tâm giữ vững thành tích, làm sao để tỷ lệ giải quyết năm sau cao hơn năm trước. Chủ trương tinh gọn bộ máy, 2 cấp cần kiện toàn bộ máy nhưng phải chú trọng chất lượng, cần “chọn việc để bố trí người” để nâng cao chất lượng công tác, không để cán bộ dao động, hoang mang…
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin