Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người… Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ…
Điểm đáng chú ý trong Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) là sự chuyển biến rõ nét trong quan điểm phòng, chống tội phạm, đặt nạn nhân và những người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân làm trung tâm. Luật mới cũng bổ sung các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Đây không chỉ là thông điệp mạnh mẽ và nhân văn của Nhà nước mà còn thể hiện cam kết rõ ràng trước cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm quyền lợi và lợi ích của nạn nhân.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) bổ sung các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân. Ảnh: SONG LÊ |
Theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự, Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi, hành vi phạm tội chỉ được xác định khi đứa trẻ đã được sinh ra và bị mua bán, chuyển giao hoặc tiếp nhận để đổi lấy tiền, tài sản hoặc nhằm mục đích lấy bộ phận cơ thể. Do đó, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung vào Điều 3 các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm cả việc thỏa thuận mua bán người ngay từ khi còn là bào thai. Theo quy định mới này, nếu có sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về việc mua bán thai nhi, hành vi này sẽ bị nghiêm cấm và xử lý theo pháp luật ngay khi đứa trẻ được sinh ra.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định rõ các biện pháp hỗ trợ thiết yếu dành cho nạn nhân ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận như hỗ trợ y tế, tâm lý, chi phí đi lại, giúp họ vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn sau khi thoát khỏi cảnh bị mua bán. Khi trở về địa phương, nạn nhân sẽ nhận được các hỗ trợ vay vốn, trợ cấp một lần, học văn hóa, học nghề.
Về đối tượng và chế độ hỗ trợ, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ y tế; hỗ trợ phiên dịch; hỗ trợ pháp luật; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí đi lại; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ học văn hóa; hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn. Tùy từng trường hợp, người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam; người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng đang ở nước ngoài; người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước; nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ tương ứng.
Theo báo cáo từ Bộ Công an, những hình thức hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và đa dạng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Khi nhu cầu tìm việc làm tăng cao, nhiều người dân dễ rơi vào bẫy "việc nhẹ, lương cao" với những thủ đoạn mới. Không ít nạn nhân bị lừa sang nước ngoài, di cư hoặc xuất cảnh trái phép, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho các gia đình và trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái, nạn nhân chính của các đường dây mua bán.
SONG LÊ (Lược ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin