Cách đây không lâu, trong lúc đang ăn trưa, tôi bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ số lạ có đầu số 0996... Người ở đầu dây tự giới thiệu là “nhân viên của TikTok” và thông báo rằng tôi sẽ nhận được một món quà 0 đồng vì là người đã sử dụng nền tảng này lâu năm. Theo lời họ, chỉ cần chờ trong vòng 5 ngày, nhân viên giao hàng sẽ liên hệ để trao tận tay tôi phần quà là một chiếc quạt máy.
Sau hơn 5 ngày chờ đợi mà vẫn không thấy món quà như đã hứa, tôi không để tâm thêm. Tuy nhiên, đến ngày thứ 7, tôi nhận được một cuộc gọi khác, người gọi hỏi tôi đã nhận được quà chưa. Khi tôi trả lời chưa, người tự xưng là nhân viên kia đề nghị tôi kết bạn qua Zalo để hướng dẫn cách nhận quà; đồng thời giới thiệu thêm các lựa chọn quà tặng và tiền, tất cả đều cam kết là hoàn toàn miễn phí. Mặc dù biết rõ đây chỉ là một chiêu trò lừa đảo, tôi vẫn quyết định làm theo hướng dẫn để “trải nghiệm” cách thức hoạt động của họ.
Khi kết nối với “nhân viên TikTok” qua Zalo, tôi nhận được một đường link kèm hướng dẫn đăng ký vào ứng dụng khác. Theo lời giới thiệu, chỉ cần tham gia trải nghiệm, tôi sẽ nhận ngay 63.000 đồng và sau 3 ngày có thể kiếm được 300.000 đồng, thu nhập hứa hẹn tăng dần khi trở thành thành viên chính thức. Dù từ chối làm theo, tôi vẫn liên tục nhận được tin nhắn thuyết phục, với những lời lẽ khéo léo đánh vào tâm lý ham quà miễn phí.
Nhiều tài khoản Facebook cảnh báo về tình trạng mạo danh nhân viên TikTok để lừa đảo trực tuyến. Ảnh: HẢI HÀ |
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với anh P.T. tại thành phố Sóc Trăng. Anh P.T nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là “nhân viên TikTok Shop” thông báo anh đã may mắn nhận được một chiếc nồi cơm điện miễn phí và yêu cầu kết bạn Zalo để nhận quà. Anh P.T chia sẻ: “Người này biết cả tên và địa chỉ cơ quan của tôi, điều này khiến tôi rất bất ngờ. Tuy nhiên, cảm nhận có điều bất thường, tôi lập tức từ chối và họ liền tắt máy”.
Thực tế, những lời mời nhận quà 0 đồng từ các cuộc gọi tự nhận là nhân viên TikTok không hiếm gặp. Một số người nhận được quà nhưng khi mở ra lại là những món đồ không có giá trị cao như: khăn tắm, bình giữ nhiệt, dụng cụ nhắc nồi... Đáng nói hơn, nhiều nạn nhân nhẹ dạ làm theo hướng dẫn để nhận các phần thưởng “giá trị cao” đã bị lừa đảo, mất số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chị L.A, một nạn nhân khác ở thành phố Sóc Trăng chia sẻ rằng, ban đầu chị đã nhận được đúng món quà mình chọn mà không mất phí nào. Tuy nhiên, sau đó, chị bị dụ tham gia vào một nhóm làm nhiệm vụ để tiếp tục nhận quà lớn hơn với điều kiện phải nạp tiền. Tin vào lời hứa “hoàn vốn kèm lợi nhuận”, chị L.A liên tục chuyển khoản với hy vọng nhận hoa hồng. Cuối cùng, chị mất gần 100 triệu đồng khi nhóm lừa đảo bất ngờ biến mất và cắt đứt liên lạc.
Không chỉ dừng lại ở những chiêu trò lừa đảo thông thường, các đối tượng lừa đảo trực tuyến còn sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn, như gửi đường link giả mạo các ứng dụng đang được phổ biến như: VNeID hay các ứng dụng ngân hàng. Khi nạn nhân truy cập, họ bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại và email để đăng ký. Thực chất, đây là ứng dụng giả mạo chứa mã độc, giúp kẻ gian chiếm quyền kiểm soát thiết bị, đánh cắp dữ liệu cá nhân và thông tin tài chính của nạn nhân.
Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng xấu, người dân cần nâng cao ý thức, thường xuyên cập nhật thông tin từ cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông chính thống để nhận diện và đối phó hiệu quả. Đặc biệt, tuyệt đối không nhấp vào đường link từ các tin nhắn lạ hoặc không rõ nguồn gốc, nhằm tránh mất thông tin cá nhân, tài sản hoặc bị lôi kéo vào các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, cần kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, góp phần bảo vệ bản thân trước những mối đe dọa trên môi trường mạng.
HẢI HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin