Những kết quả đạt được giữa Đoàn Luật sư và Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng trong hoạt động tố tụng

Theo dõi Báo Sóc Trăng điện tử trên
KIM NGỌC 13:40, 15/03/2025

STO - Thời gian qua, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng và Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vì mục tiêu bảo vệ pháp luật, công lý; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án được nâng lên rõ rệt, bảo đảm đúng người, đúng tội, không làm oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Ngày 2/7/2014, TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 471/QCPH/TA-ĐLS và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2014. Bám sát vào quy chế, qua hơn 10 năm thực hiện quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng, hai cơ quan, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xét xử, cũng như hành nghề của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng Bạch Sỹ Chất cho biết, kể từ khi quy chế có hiệu lực, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức triển khai cho các luật sư thành viên về nội dung quy chế phối hợp, đặc biệt là quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 của quy chế. Nhìn chung, công tác phối hợp giữa 2 cơ quan đảm bảo đúng quy định của pháp luật về tố tụng. Tòa án cũng tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng tham gia giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, thủ tục đăng ký bào chữa đối với các vụ án hình sự được đảm bảo nhanh chóng, đúng theo quy định tại khoản 4, Điều 5 của quy chế phối hợp, quyền và nghĩa vụ của luật sư được đảm bảo theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự.

Các luật sư thuộc thành viên Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng tích cực tham gia các vụ án chỉ định. Ảnh: KIM NGỌC

Ngoài ra, TAND 2 cấp cũng tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư phát huy kỹ năng, kiến thức của mình để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ án hình sự theo yêu cầu của tòa án (án chỉ định), Đoàn Luật sư tỉnh đều phân công luật sư tham gia tố tụng đạt tỷ lệ 100%. Tính từ năm 2020 đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện được trên 1.760 dịch vụ pháp lý; tư vấn pháp luật 1.366 vụ việc.

Đối với TAND tỉnh, lãnh đạo tòa án luôn quan tâm đến công tác phối hợp giữa 2 đơn vị, tích cực tổ chức phổ biến, triển khai quy chế đến cán bộ, công chức TAND hai cấp trong tỉnh; kịp thời hướng dẫn các đơn vị TAND hai cấp khi có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các đơn vị tòa án 2 cấp thực hiện quy chế phối hợp trong các đợt kiểm tra chuyên môn.

Theo Chánh án TAND tỉnh Thái Rết, nhìn chung, qua công tác triển khai thực hiện quy chế phối hợp, các đơn vị TAND trên địa bàn tỉnh, Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã thực hiện nghiêm túc các quy định của quy chế; cán bộ, công chức tòa án, luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đã có những chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động. TAND 2 cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính, hình sự; đa số các luật sư khi tham gia tố tụng đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Từ năm 2020 đến nay, TAND 2 cấp đã đưa ra giải quyết 3.934 vụ án hình sự và tòa án đã yêu cầu trên 400 vụ án chỉ định luật sư. Các vụ án tòa án có yêu cầu luật sư chỉ định, nhìn chung Đoàn Luật sư đã phối hợp rất tốt trong việc cử luật sư chỉ định theo yêu cầu của tòa án. Mặc dù, luật sư chỉ định nhận thù lao, bồi dưỡng thấp hơn so với các vụ án được khách hàng yêu cầu nhưng luật sư cũng thể hiện hết trách nhiệm, như: tham gia nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị bài phát biểu, tuân thủ giấy triệu tập của tòa án, tích cực tham gia xét hỏi, tranh luận, đối đáp để bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đề nghị hội đồng xét xử đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội, tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Luật sư tham gia các vụ án do tòa án yêu cầu thì luôn được tạo điều thuận lợi như: cấp giấy chứng nhận nhanh chóng, kịp thời để luật sư có điều kiện tiếp xúc với bị can, bị cáo; cho luật sư ghi chép, nghiên cứu hồ sơ hỗ trợ, chứng cứ hồ sơ vụ án… TAND tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh còn phối hợp tốt trong việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp, như: tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ năm 2020 đến nay tổ chức 8 phiên tòa (cấp tỉnh 4 phiên, cấp huyện 4 phiên). Sau mỗi phiên tòa, thẩm phán, các vị luật sư họp lại để rút kinh nghiệm những ưu điểm cần phát huy và những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa trong thời gian tới. Kết quả tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm thời gian qua đã giúp cho các vị luật sư nhận thức được vai trò, vị trí của mình khi tham gia tranh tụng để ngày càng có trách nhiệm và thực hiện công việc có chất lượng hơn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.

Có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa Đoàn Luật sư và TAND tỉnh là cần thiết, giúp nâng chất trong công tác xét xử, uy tín của tòa án, luật sư cũng được nâng lên, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

KIM NGỌC