Quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch ngân hàng

05:14, 15/12/2023

STO - “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, lời cổ nhân dạy thật chí tình. Thế nhưng, vẫn có những người nghe lời ngon ngọt giao giấy tờ nhà, đất hoặc tài sản của mình cho người khác để thế chấp vay ngân hàng. Kết cục phải nhận “trái đắng”, đứng trước nguy cơ mất tài sản và mất thời gian vào việc kiện tụng chỉ vì nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trong các giao dịch liên quan đến tài sản của mình…

Kỳ 1: “Vạ” từ chủ quan, thiếu hiểu biết

"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" và rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với nhiều người khó khăn hơn mình, đó là một điều đáng trân quý. Tuy nhiên, lòng tốt phải được đặt đúng chỗ, đúng người, nếu không chẳng những hoài phí mà còn liên lụy đến bản thân.

Hệ lụy từ lòng tốt đặt không đúng chỗ

Ông Trần Quốc Tuấn, ngụ ấp Phước Hòa B, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là điển hình cho việc đặt để tình thương sai người, sai cách. Nghẹn ngào nhớ lại, ông Tuấn từng có “của ăn của để”, gia đình luôn nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Tinh thần ấy, ông Tuấn được thừa hưởng từ người cha của mình. Khi ấy, cha ông Tuấn đã dang tay giúp đỡ nhiều cảnh đời khốn khó, trong đó, có gia đình của cha ông K.K (cùng ngụ tại huyện Cù Lao Dung). 13 năm trước khi nghe được lời than thở, nhờ vả, ông Tuấn không hề đắn đo, sẵn sàng đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho ông K.K đem thế chấp vay ngân hàng để giải quyết khó khăn.

“Thi ân bất cầu báo”, trong thời gian dài, ông Tuấn không “hối thúc” hay mong chờ sự trả ơn, dù hiện tại hoàn cảnh gia đình ông cũng gặp khó khăn. Bất ngờ, một ngày của 2 năm trước, ngân hàng cùng một số cơ quan chức năng đến nhà, tiến hành phát mãi đất của ông Tuấn nhằm đảm bảo phần nợ vay ngân hàng cho ông T.V, ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung. Nhưng ông T.V là ai? “Tôi không hề quen biết đến ông T.V. Năm 2011, tôi có cho ông K.K mượn giấy tờ đất đi thế chấp ngân hàng và có ký tên một lần vào tờ giấy trắng. Theo lời ông K.K, tôi ký vào đó thì ông K.K mới được vay tiền. Từ đó đến nay, tôi không hề biết gì. Cứ nghĩ khi nào ông K.K có tiền trả nợ ngân hàng xong thì sẽ đem trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại cho tôi”- ông Tuấn nói trong nước mắt.

Vợ chồng ông Trần Quốc Tuấn không vay ngân hàng mà phải oằn mình trả nợ ngân hàng vì quá tin người. Ảnh: SỚM MAI

Sau khi cơ quan chức năng đến làm việc, ông Tuấn mới vỡ lẽ “chữ ký độc nhất” của mình đã giúp ông T.V (người quen của ông K.K) thực hiện được mọi giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất bên thứ 3. Cụ thể, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (5.000m2) của ông Tuấn được đảm bảo để ông T.V vay 80 triệu đồng. Tiền không nhận, bản thân không đi vay nhưng tài sản lại bị phát mãi khiến ông Tuấn tá hỏa, vội vã tìm đến ông K.K. Do đứng trước nguy cơ mất đất, ông Tuấn đã ráo riết nhờ chính quyền can thiệp và trình bày rõ sự tình. Ông K.K hứa sẽ trả nợ ngân hàng, đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả cho ông Tuấn. Nhưng tất cả chỉ là lời hứa “gió thoảng mây bay”, ông K.K đã bán nhà và bỏ địa phương đi biệt tăm.

Ông Tuấn ấm ức: “Căn nhà gia đình tôi đang sinh sống nằm trên mảnh đất này, nếu bị phát mãi, cả nhà tôi phải ở đâu, đi đâu và sống làm sao! Do vậy, tôi đành phải đi vay mượn bên ngoài để chuộc lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng may ngân hàng không tính lãi chỉ tính tiền gốc. Tôi thật tâm giúp người mà, sao người nỡ hại tôi!”. Thấy chồng ốm đau, nay phải buồn rầu chuyện nợ nần nên bà Hồ Thị Mỹ không nỡ hờn trách: “Tôi không hay việc chồng cho mượn giấy tờ đất, cho đến khi ngân hàng làm việc thì mới biết chuyện. Ổng nói thấy ông K.K tội nghiệp nên muốn giúp. Giờ cảnh nhà khổ lắm, tôi đi bán vé số hằng ngày để kiếm sống. Chồng tôi (62 tuổi) đau bệnh đủ thứ, không biết tiền đâu mà trả nợ đây!”.

Ông Tuấn vì thiếu cân nhắc, tùy tiện giao tài sản cho người khác, phải nhận bài học đắt giá. “Mọi người đừng để rơi vào hoàn cảnh khốn khổ như tôi, tức lắm, đau lắm! Tôi có một thỉnh cầu gửi đến cơ quan có thẩm quyền hãy giải quyết, buộc ông K.K phải trả lại tiền cho gia đình tôi…” - ông Tuấn đang hy vọng trong sự tuyệt vọng.

Thế chấp biến thành chuyển nhượng

Thực tế, sự thiếu hiểu biết suýt đẩy nhiều người dân vào cảnh trắng tay, nợ nần. Bà Đinh Thị Liên, ở Phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) một phen hú vía trước cảnh kiện tụng liên quan đến đất đai của mình. Theo lời bà Liên, năm 2018, do có nhu cầu về vốn để mở tiệm tạp hóa, buôn bán đảm bảo cuộc sống. Nhưng xưa nay, bà Liên và nhiều người dân không đến vay ngân hàng, vì sợ các thủ tục phiền phức nên chấp nhận đi vay bên ngoài với lãi suất thỏa thuận. Cụ thể, bà Liên thông qua người quen có vay của ông V.Đ (cư trú tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) 2 lần với tổng số tiền 80 triệu đồng (lần một 60 triệu đồng, lần hai 20 triệu đồng), lãi 20%/năm và mỗi lần nhận tiền đều có viết giấy tay. Đặc biệt, trước khi nhận tiền, phía ông V.Đ yêu cầu bà Liên phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và yêu cầu ký vào tờ giấy để “làm tin”.

Bà Liên cứ ngỡ mình đang thế chấp giấy tờ đất để vay tiền nên hằng tháng cố gắng làm cật lực để trả lãi, trả nợ (thông qua người quen). Lạ ở chỗ, đóng lãi được thời gian thì người quen cũng biến đâu mất. Đến năm 2021, ngân hàng đến đòi phát mãi tài sản và phần đất đó đã thuộc quyền sử dụng của ông V.Đ. Giờ bà Liên mới hiểu ra: “Hôm tôi ký giấy đó là giấy chuyển nhượng đất chứ không phải thế chấp đất. Khi đó, tôi có đọc qua tờ giấy nhưng không rành chữ nghĩa, thấy để chuyển nhượng mà tôi đâu có hiểu, tưởng rằng chuyển nhượng là thế chấp giấy”. Sau khi ông V.Đ chuyển giấy tờ sang tên mình, đã đem tài sản thế chấp vay ngân hàng 500 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Liên (bên phải) kể lại sự việc suýt nữa là bị mất đất. Ảnh: SỚM MAI

Biết rõ sự việc, bà Liên chạy đôn chạy đáo nhờ luật sư “đả thông” vấn đề và gác mọi công việc, dành trọn thời gian đeo đuổi vụ kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ông V.Đ với ngân hàng mà tài sản thế chấp trước đây là của mình. Cuối cùng, sự thật cũng được sáng tỏ, pháp luật luôn bảo vệ lẽ phải, công bằng, Tòa án nhân dân huyện Thạnh Trị đã tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông V.Đ và bà Liên là vô hiệu; bà Liên có trách nhiệm trả tiền vay cho ông V.Đ; phía ông V.Đ trả đất cho bà Liên… “Tôi mang ơn mấy ông tòa án nhiều lắm, chút nữa là mất đất, không có chỗ ở luôn rồi. Tôi mừng quá! Từ đây không dám ký bậy, ký bạ hay giao giấy tờ đất cho ai nữa” - bà Liên mừng rơi nước mắt.

Để xảy ra các trường hợp trên, lỗi một phần cũng do bản thân người dân nhưng xét kỹ ở một góc độ nào đó, nếu cán bộ tín dụng các ngân hàng “chuẩn” thì khó có người "qua mặt" để thực hiện giao dịch trót lọt. Ông Tuấn tự trách mình dễ tin người nhưng trong lòng không đè nén được sự nghi ngờ: “Tôi từng thế chấp vay ngân hàng; khi ấy, 5.000m2 đất chỉ được vay 25 triệu đồng, năn nỉ cỡ nào ngân hàng vẫn không duyệt hơn. Cũng giấy đất đó, sao ông T.V có thể thế chấp vay được 80 triệu đồng? Tôi chỉ ký 1 lần vào tờ giấy trắng mà sao ông T.V lại được giải ngân, trong khi trước đây tôi phải ký tùm lum và đi tới lui nhiều lần mới được giải ngân”. Còn bà Liên không hiểu sao, căn nhà bà đang sinh sống, buôn bán mà ngân hàng thẩm định lại không đến hỏi, xác minh không biết, dễ dàng giải ngân vốn cho ông V.Đ…

Những tâm tư, thắc mắc của người dân có lẽ cần được trả lời thỏa đáng từ phía ngân hàng. Đặc biệt, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu giao dịch ngân hàng ngày càng cao và “kẻ gian” ẩn náu, hoạt động cũng sẽ mạnh mẽ, tinh vi hơn nên rất cần một môi trường giao dịch ngân hàng minh bạch, quản lý chặt chẽ hơn.

SỚM MAI
(Còn tiếp)