Trước tiềm ẩn tội phạm ma túy với nhiều thủ đoạn tinh vi mới thông qua mạng xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy. Đồng chí Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền, Tỉnh hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng công văn phối hợp triển khai tuyên truyền, phát động hội viên hưởng ứng tham gia thực hiện “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, lồng ghép nội dung chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật về phòng, chống ma túy vào chương trình công tác năm của hội, gắn thực hiện đề án, dự án để triển khai đến các cấp hội thực hiện, đảm bảo đúng trọng tâm, sâu sát thực tế, kịp thời. Qua đó, 100% cán bộ, đảng viên, người lao động Tỉnh hội cam kết gương mẫu tham gia công tác phòng, chống ma túy, không sử dụng ma túy dù chỉ 1 lần và 100% hội LHPN huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng các văn bản triển khai thực hiện tại 109 cơ sở. Đồng thời, Tỉnh hội còn giao chỉ tiêu, hằng năm, có 100% huyện, thị xã, thành phố và cơ sở hội có ít nhất 1 hoạt động thiết thực, phù hợp tình hình địa phương về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh tuyên truyền liên quan đến ma túy và phòng, chống ma túy. Ảnh: SỚM MAI
Muốn đẩy lùi tệ nạn ma túy, trước hết phải nâng cao nhận thức và ý thức phòng ngừa. Những năm qua, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: sinh hoạt định kỳ tổ, câu lạc bộ phụ nữ; lớp tập huấn; nói chuyện chuyên đề gắn với sử dụng hiệu quả các tranh ảnh truyền thông trực quan về tác hại của ma túy, các hình thức xử phạt mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy... Bình quân mỗi năm có trên 15.000 cuộc tuyên truyền cho 303.700 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Đặc biệt, các cấp hội phối hợp với ngành Công an, cơ quan có liên quan tổ chức mở 26 lớp tập huấn cho 1.250 chị, 902 thanh niên về các kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và địa phương phát động.
Tranh thủ nguồn kinh phí, Tỉnh hội phối hợp cơ quan có liên quan tổ chức 66 cuộc truyền thông, lồng ghép tuyên truyền về kiến thức về phòng, chống và kiểm soát ma túy, các biện pháp giảm lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tiêm chích ma túy tại 11 huyện, thị xã, thành phố và các điểm trường trung học cơ sở, các trường dân tộc nội trú. Các cấp hội còn phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm và các ngành liên quan tổ chức truyền thông 200 lớp nâng cao nhận thức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “phòng, chống ma túy”. Vận động trên 119.690 hội viên, phụ nữ tham gia đăng ký gia đình không có ma túy, con em không sử dụng ma túy, không thử ma túy - dù chỉ 1 lần, trường học không có ma túy. Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân không trồng cây có chất gây nghiện, ma túy, không tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.
Không những vậy, Hội LHPN tỉnh tổ chức 77 cuộc nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn trong hội viên, phụ nữ, học sinh vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo; lồng ghép tuyên truyền các nội dung về phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy tại 11 xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hội tuyên truyền, vận động các cấp hội tham gia cuộc thi trắc nghiệm kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội do Trung ương hội tổ chức; cuộc thi tìm hiểu pháp luật.
Ngoài ra, hội tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các địa bàn phức tạp về ma túy; các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm; phát động, đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tự quản, tự phòng, vận động đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Các cấp hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh, chủ động nắm tình hình trên không gian mạng, nhằm kịp thời phát hiện và tố giác các trường hợp, băng nhóm có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; các hành vi vi phạm về mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy… thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ theo dõi.
Nhiều tập thể, cá nhân các cấp hội phụ nữ được biểu dương, khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: MINH TẤN
Thực tế, phòng, chống ma túy từ gia đình sẽ là “pháo đài” vững chắc, lâu dài và vai trò của người phụ nữ ngày càng được coi trọng trong việc vận động người thân, giáo dục con em mình tránh xa tệ nạn ma túy, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chính vì vậy, hội phụ nữ các cấp đã có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện vai trò nòng cốt trong nhiều mặt công tác về phòng, chống ma túy. Trong đó, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng đẩy mạnh công tác triển khai phối hợp thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với nhiều hoạt động, phong trào cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, có nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng, duy trì thực hiện tại địa phương, đơn vị như: “Tổ Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”; “Tổ Phụ nữ nói không với ma túy”, “Câu lạc bộ Phụ nữ không mắc các tệ nạn xã hội về ma túy”.
Các cấp hội phụ nữ đã duy trì hoạt động 28 câu lạc bộ, tổ phụ nữ với pháp luật; thành lập mới, duy trì hiệu quả 429 câu lạc bộ, tổ về: Phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật; phụ nữ nói không với ma túy; phụ nữ không mắc tệ nạn xã hội; phụ nữ sống có tình, có nghĩa; phụ nữ tự tin có lối sống đẹp; phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc... Phát triển mới và duy trì sinh hoạt 3.082 tổ, nhóm, câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (trong đó có 2/8 tiêu chí là tiêu chí gia đình không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, gia đình không có bạo lực). Tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương, tập trung tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn biên giới biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”... Chính các hoạt động trên đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy tại địa phương.
Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan, các cấp hội phụ nữ đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Thông qua các hoạt động, có 1.025 gương điển hình tiêu biểu (966 cá nhân; 59 tập thể, 9 mô hình) tích cực tham gia thực hiện tố giác tội phạm về ma túy; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh sẽ luôn tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền. Khi đó, chú trọng tuyên truyền lấy gia đình làm nền tảng bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin