2. Một số vấn đề cần lưu ý về việc tố cáo
Hiện nay, theo quy định của Đảng (nhất là Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các quy định khác có liên quan) và pháp luật của Nhà nước (Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành) có các quy định về bảo vệ người tố cáo như: Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ). Cụ thể, theo quy định tại khoản 8, Điều 20 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng: “Tổ chức đảng và đảng viên nhận được tố cáo phải bảo đảm bí mật cho người tố cáo, hướng dẫn người tố cáo thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước và có biện pháp bảo vệ người tố cáo. Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo đối với mình. Không để người tố cáo hoặc người có liên quan đến tố cáo giải quyết tố cáo”. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn xảy ra các trường hợp để lộ, lọt thông tin của người tố cáo; một số trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập; các hành vi trả thù, trù dập chưa được phát hiện, xử lý nghiêm; việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm… nên tố cáo nặc danh vẫn còn diễn ra.
Đồng chí Nguyễn Thanh Khoa - Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cù Lao Dung về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và phối hợp trong xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Ảnh: KIM NGỌC
Ngoài quyền tố cáo đã có theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cần lưu ý về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố cáo khi tố cáo, kể cả tố cáo nặc danh. Trường hợp tố cáo nặc danh sai sự thật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác có thể bị xử lý theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 và khoản 9, Điều 20 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng: Những người lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu phải được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp giải quyết tố cáo phải xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo mang tính bịa đặt, đả kích, gây dư luận xấu đối với người khác. Đối với đảng viên, việc tố cáo giấu tên, mạo tên là vi phạm những điều đảng viên không được làm theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 38 Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên.
Bên cạnh đó, quyền tố cáo, nghĩa vụ và trách nhiệm khi thực hiện việc tố cáo đã được quy định trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, pháp luật hiện hành có các quy định về việc cá nhân phải chịu trách nhiệm đối với việc tố cáo sai sự thật và bồi thường thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra (nếu có). Tại khoản 10, Điều 8 Luật Tố cáo 2018 quy định nghiêm cấm cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; điểm đ, khoản 2, Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra; điểm c, khoản 1, Điều 44 Luật Tố cáo 2018 quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo phải xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật. Ngoài ra, người tố cáo sai sự thật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu việc tố cáo đó xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 23 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành luật tố cáo).
Trong thời gian tới, chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội đảng các cấp, Ban Nội chính Tỉnh ủy dự báo số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh sẽ tăng cao, nhất là tố cáo nặc danh có liên quan đến cán bộ, đảng viên được quy hoạch cấp ủy. Từ thực tiễn công tác tham mưu, xử lý đơn, thư của Ban Nội chính Tỉnh ủy, phần lớn các đơn tố cáo nặc danh trước đại hội đảng các cấp có nội dung thường chưa rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp nên việc xử lý cần nhiều thời gian. Việc xử lý đơn, thư kéo dài thời gian sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ, nhất là những cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu việc xử lý đơn không bảo đảm quy định sẽ dễ để lọt cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Để chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ đại hội đảng các cấp, cần giải quyết dứt điểm các tố cáo nặc danh có liên quan đến cán bộ, đảng viên, đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp trong tiếp nhận và xử lý đơn, thư theo quy định; kịp thời tiếp nhận, phân loại, giải quyết hoặc báo cáo, tham mưu giải quyết đối với những tố cáo nặc danh có liên quan đến cán bộ, đảng viên và những vấn đề phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân theo quy định. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, gần dân, lắng nghe nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tố cáo có liên quan đến tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tố cáo nặc danh, sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hạ uy tín người khác.
Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Thanh Khoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin