1. Một số quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến tố cáo và giải quyết tố cáo
Theo quy định tại khoản 7, Điều 3 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng: “Tố cáo trong Đảng là việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng hoặc cán bộ, đảng viên có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước của tổ chức đảng hoặc đảng viên mà người tố cáo cho là gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân”.
Theo quy định tại các khoản: 1, 2 và 7, Điều 20 Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng: Khi nhận được tố cáo, cơ quan nhận đơn phải phân loại, giải quyết các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm hoặc phối hợp với các tổ chức đảng có thẩm quyền để giải quyết; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì chuyển đến các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết các đơn tố cáo. Thời hạn giải quyết tố cáo: Chậm nhất 90 ngày đối với cấp tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương trở xuống; 180 ngày đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được tố cáo (gửi, tố cáo trực tiếp hoặc theo dấu bưu điện chuyển đến). Không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không rõ nội dung…; đơn không phải do người tố cáo trực tiếp ký tên... Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo.
Công tác tiếp dân và xử lý đơn, thư tại Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Ảnh: SỚM MAI
Khoản 1, Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về hình thức tố cáo: “Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn, người tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan… người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản tương tự như trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn.
Điều 25 Luật Tố cáo năm 2018 quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của luật này thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của luật này. Trường hợp thông tin có nội dung tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Như vậy, theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước như trên mặc dù có đề cập đến nhưng chưa có khái niệm cụ thể thế nào là tố cáo nặc danh. Theo đó, có thể hiểu tố cáo nặc danh là tố cáo không có họ tên, không rõ địa chỉ, thông tin liên hệ của người tố cáo (không có ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn) hoặc có họ tên, địa chỉ, thông tin liên hệ của người tố cáo (có ký tên hoặc điểm chỉ) nhưng thực chất những thông tin này không đúng (tố cáo mạo tên, giấu tên).
Qua theo dõi, nắm tình hình và thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý đơn, thư từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp nhận và xử lý tổng số 54 đơn tố cáo nặc danh. Trong đó, gửi đến đồng chí Bí thư Tỉnh ủy 21 đơn, gửi đến Thường trực Tỉnh ủy 12 đơn và gửi đến Ban Nội chính Tỉnh ủy 21 đơn. Các đơn tố cáo nặc danh chủ yếu liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc trong quy hoạch để bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Từ những quy định trên, xét thấy các cơ quan tiếp nhận và xử lý đơn, thư có thể không xem xét, xử lý đối với tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, nếu tố cáo nặc danh nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo hoặc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý. Đối với Ban Nội chính Tỉnh ủy, trong tổng số 54 đơn tố cáo nặc danh đã tiếp nhận từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua phân loại, đã chuyển 14 đơn đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Kết quả, có 2 cán bộ vi phạm bị xử lý kỷ luật về đảng và hành chính theo quy định.
Nguyễn Thanh Khoa, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin