(Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo FAO, khoảng 733 triệu người phải đối mặt nạn đói trong năm 2023. Các cuộc xung đột ảnh hưởng khoảng 135 triệu người, gần một nửa số người phải chịu đựng nạn đói cùng cực. Đánh giá gần đây do FAO và Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) thực hiện cho thấy, đất trồng trọt và cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Dải Gaza bị thiệt hại ở mức chưa từng có. Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol cho biết, nỗ lực viện trợ nhân đạo vẫn còn hạn chế và không thể đáp ứng được hết nhu cầu của hai triệu người dân nơi đây. Bà Bechdol lo ngại rằng, những điều này đang đặt thêm gánh nặng lên cuộc khủng hoảng nhân đạo nơi đây, nhất là khi cuộc xung đột chưa có dấu hiệu dừng lại.
Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng nặng nề ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia, làm giảm diện tích đất canh tác, gây mất mùa... Bên cạnh đó, giá thực phẩm leo thang do đại dịch Covid-19, những hệ lụy của các cuộc xung đột với hệ thống lương thực, thực phẩm cũng gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực. Các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có người nghèo và nông dân, phải chịu những tác động nghiêm trọng từ những cú sốc nêu trên.
Dù đối mặt nhiều thách thức, song chính các hệ thống lương thực, thực phẩm không bền vững lại gây ra tình trạng ô nhiễm, suy thoái đất, nước, gia tăng khí thải nhà kính và mất đa dạng sinh học. Bởi vậy, chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững hơn đang được nhiều quốc gia thúc đẩy nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân. Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, như công nghệ sinh học, chuyển đổi số ngành nông nghiệp…, được các chuyên gia xem là động lực quan trọng cho tiến trình này.
Cùng với an ninh lương thực, bảo đảm dinh dưỡng cũng là vấn đề ngày càng được chú trọng. Theo báo cáo tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 do các cơ quan của Liên hợp quốc thực hiện, hơn 2,8 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy dinh dưỡng và béo phì. Nhiều người thiếu thông tin cần thiết để lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, buộc phải dùng thực phẩm rẻ tiền, thiếu dinh dưỡng hoặc lựa chọn những loại thực phẩm này đơn giản vì sự tiện lợi.
Trong thông điệp nhân Ngày lương thực thế giới (16/10) năm nay, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu kêu gọi cộng đồng quốc tế khẳng định lại cam kết xây dựng các hệ thống lương thực, thực phẩm hiệu quả, kiên cường và bền vững hơn, bảo đảm nhu cầu của mọi người dân về thực phẩm lành mạnh và đa dạng. Điều này cũng được thể hiện ngay ở chủ đề của Ngày lương thực thế giới năm nay là “Quyền được hưởng thực phẩm để có một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn”. Theo ông Qu Dongyu, một cuộc sống tốt đẹp hơn ngày càng cần thực phẩm đa dạng hơn. Ông Qu Dongyu nhận định, thực phẩm từ các nguồn gốc khác nhau giúp bảo đảm sự phong phú của các nền ẩm thực, văn hóa, đồng thời cũng góp phần vào nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học.
Ngày lương thực thế giới năm nay tiếp tục nhắc nhở về tầm quan trọng của nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực cho tất cả mọi người ở bất cứ đâu. Chỉ còn vài năm nữa là tới thời hạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), song nguy cơ mất an ninh lương thực trên thế giới vẫn là mối bận tâm. Nhấn mạnh quỹ thời gian không còn nhiều, FAO kêu gọi sự chung tay hành động từ tất cả đối tác trong mọi lĩnh vực. Những hành động khẩn trương ngay lúc này chính là vì một tương lai mà những nhu cầu cơ bản của con người được bảo đảm và cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau trở thành hiện thực.
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin