Lời giải cho bài toán lạm phát

YÊN LINH 04:57, 26/11/2024

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc tung ra gói kích thích kinh tế “khổng lồ” trị giá 39.000 tỷ yen (hơn 252,7 tỷ USD), trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) để ngỏ khả năng tăng lãi suất. Các biện pháp này được xem là để ngăn chặn lạm phát phi mã và bảo đảm tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Trong gói kích thích kinh tế đồ sộ này, ngân sách của chính phủ sẽ đóng góp 13.900 tỷ yen, đồng thời chính quyền xứ Phù Tang cũng đang xem xét chi 21.900 tỷ yen nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực của lạm phát đối với các gia đình. Những rào cản lớn đối với việc thông qua gói kích thích kinh tế nêu trên của Chính phủ Nhật Bản đã được giải quyết, sau khi đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, đối tác liên minh Komeito và đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đối lập nhất trí về bản dự thảo sửa đổi.

Bản dự thảo nêu rõ việc nâng mức thu nhập tối thiểu phải chịu thuế, hiện ở ngưỡng 1,03 triệu yen, sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán về cải cách hệ thống thuế. Ngoài ra, văn bản này cũng lưu ý việc cắt giảm thuế xăng dầu sẽ được xem xét trong khuôn khổ quá trình đánh giá lại các loại thuế liên quan ô-tô. Ðại diện ba đảng đã trao đổi các văn bản thỏa thuận và cam kết nỗ lực thúc đẩy việc sớm thông qua ngân sách bổ sung cho năm tài chính hiện tại để bổ sung nguồn lực tài chính thực hiện gói kích thích kinh tế.

Ðồng hành cùng chính phủ, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế dài hạn. Ông Kazuo khẳng định BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế và giá cả diễn biến theo kỳ vọng, đồng thời cho biết thêm ngân hàng này đang theo dõi chặt chẽ sự suy yếu của đồng yen trước USD, sau khi đồng nội tệ Nhật Bản chịu áp lực từ đợt tăng giá của đồng bạc xanh kể từ khi ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây.

Những phát biểu của Thống đốc Kazuo được đưa ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng BOJ có thể tăng lãi suất vào tháng 12/2024, mặc dù ông Kazuo khẳng định BOJ sẽ đưa ra quyết định chính sách tại mỗi cuộc họp dựa trên đánh giá và triển vọng mới nhất đối với các hoạt động kinh tế và giá cả. Thống đốc Kazuo cảnh báo nếu không điều chỉnh lãi suất, lạm phát có thể phi mã thời gian tới và buộc BOJ phải tăng mạnh lãi suất. Về thời điểm tăng lãi suất, ông Kazuo cho biết, BOJ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế lớn khác.

Người đứng đầu BOJ thừa nhận rằng sự mất giá của đồng yen đã tác động tiêu cực đến các gia đình và doanh nghiệp. Về các chỉ số kinh tế trong nước, Thống đốc Kazuo cho biết đã thấy một số tiến triển, trong đó yếu tố lương tăng giúp người lao động đỡ chật vật trước cơn bão giá tiêu dùng. Ông đánh giá lạm phát cơ bản vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2% của BOJ, nhưng dự kiến sẽ tiếp tục tăng dần do lương tăng. BOJ đã kết thúc chính sách lãi suất âm vào tháng 3 vừa qua với lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm, tiếp theo là một lần tăng khác vào tháng 7, sau đó giữ nguyên lãi suất chính sách tại các cuộc họp vào tháng 9 và tháng 10. BOJ dự báo giá cả sẽ tăng tổng cộng 2,5 điểm phần trăm trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2025 và 1,9 điểm phần trăm trong năm tài chính 2025, thấp hơn mục tiêu ổn định giá của ngân hàng là 2 điểm phần trăm.

Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc của Nhật Bản được điểm xuyết thêm gam màu tươi sáng của lĩnh vực du lịch. Ngành công nghiệp không khói của quốc gia Ðông Á chứng kiến sự bùng nổ về số lượng khách du lịch. Tính trong 10 tháng đầu năm, Nhật Bản đón tổng cộng 30,19 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Ðây là lần đầu số du khách quốc tế đến Nhật Bản vượt mốc 30 triệu lượt người kể từ năm 2019. Ước tính, du khách đã chi tiêu khoảng 5.860 tỷ yen (37,72 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt qua con số 5.300 tỷ yen mà du khách chi tiêu trong cả năm 2023.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN