Nền tảng quan trọng để ứng phó dịch bệnh

TƯỜNG VY 05:14, 21/11/2024

Bệnh đậu mùa khỉ là một thách thức lớn với hệ thống y tế của châu Phi khi số ca mắc bệnh tại đây từ đầu năm 2024 tới nay đã vượt mốc 50.000 ca. Trong bối cảnh việc chẩn đoán còn chậm trễ, tiếp cận điều trị còn khó khăn và ngày càng xuất hiện nhiều chủng virus khác nhau, cộng đồng quốc tế đang tiếp tục sát cánh cùng châu Phi, thúc đẩy phân phối công bằng và chia sẻ vắc-xin để không ai bị bỏ lại phía sau.

Một bệnh nhân bị phát ban trên da do vi rút đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)
Một bệnh nhân bị phát ban trên da do vi rút đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây công bố kế hoạch phối hợp với Bỉ, Ðức và Bồ Ðào Nha cung cấp 122.300 liều vaccine phòng, chống dịch đậu mùa khỉ cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi. Ðây là một phần trong cam kết tổng thể của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ 580.000 liều vaccine cho CDC châu Phi. Trước đó, khoảng 899.000 liều vaccine đã được phân bổ cho chín quốc gia châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch đậu mùa khỉ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y tế khác.

Cũng như đại dịch Covid-19, chìa khóa để thế giới cùng vượt qua bệnh đậu mùa khỉ là tinh thần đoàn kết và sẻ chia. Vào tháng 8/2024, WHO đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên “Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược” nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ, được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 với mức kinh phí là 135 triệu USD.

Hàng loạt tổ chức quốc tế và quốc gia cam kết hỗ trợ tài chính để Lục địa Ðen ứng phó dịch bệnh này. Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) Sania Nishtar nhận định, những bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 đã giúp thế giới giải quyết tốt hơn dịch đậu mùa khỉ đang hoành hành ở châu Phi.

Ðại dịch Covid-19 từng cho thấy cộng đồng quốc tế không chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đồng thời phơi bày những yếu kém của hệ thống y tế, trong đó có sự bất bình đẳng về tiếp cận vắc-xin. Nghịch lý xảy ra khi nơi thì thừa vaccine ngừa Covid-19 đến mức phải vứt bỏ vì quá hạn sử dụng, nơi lại không có vaccine để cứu sinh mạng của người dân.

Vào thời điểm làn sóng dịch đậu mùa khỉ bùng phát và lan nhanh trên toàn cầu vào năm 2022, nhiều quan chức y tế thế giới lo ngại rằng sai lầm về chạy đua giành vaccine ngừa Covid-19 sẽ lặp lại với dịch đậu mùa khỉ, đồng thời lên tiếng thúc giục thế giới đoàn kết để châu Phi không bị bỏ lại phía sau.

Ðến nay, thế giới đã nâng cao tinh thần cảnh giác và đoàn kết trước bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên có nhiều yếu tố tiếp tục cản trở nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh ở châu Phi. CDC châu Phi cảnh báo, công tác xét nghiệm và giám sát dịch bệnh ở một số nước vẫn gặp khó khăn do thiếu thốn trang thiết bị và nguồn lực. Ðơn cử như ở CHDC Congo, năng lực xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ hiện ở mức rất hạn chế.

Theo báo cáo của WHO, do hạn chế về tiếp cận xét nghiệm ở các vùng xa xôi nên chỉ có khoảng 40% trong tổng số các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh ở CHDC Congo được tiến hành xét nghiệm từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 9 vừa qua. Có khoảng 55% số trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính.

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều chủng virus đậu mùa khỉ cũng làm tình hình thêm phức tạp. Tại khu vực Trung Phi, các chuyên gia y tế mới phát hiện chủng clade Ia, vốn chỉ lây từ động vật sang người, có dấu hiệu tiến hóa để lây lan giữa người với người. Tiến sĩ Placide Mbala, Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia Kinshasa của CHDC Congo cho biết, chúng ta đã chứng kiến việc virus tiến hóa với dịch Ebola, Covid-19 và dự kiến sẽ thấy điều này diễn ra với dịch đậu mùa khỉ.

Nếu châu Phi không an toàn, phần còn lại của thế giới cũng sẽ không an toàn. Sau thời gian dài cả thế giới căng sức chống chọi đại dịch Covid-19, những bài học mà chúng ta rút ra từ đại dịch này chính là nền tảng quan trọng để ứng phó hiệu quả các mối đe dọa về sức khỏe khác, trong đó có làn sóng dịch đậu mùa khỉ hiện nay. Sự phối hợp chặt chẽ của các nước không chỉ giúp khống chế dịch bệnh mà còn góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN