Chủ tịch Depa Nuttapon Nimmanphatcharin cho biết sáng kiến Sầu riêng Số OTOD nhắm mục tiêu thu hút hơn 6.100 hộ nông dân trồng sầu riêng trên toàn quốc áp dụng nền tảng kỹ thuật số để ghi lại dữ liệu canh tác trong khung thời gian 2 năm. Việc thu thập dữ liệu này sẽ góp phần tạo nên “dữ liệu lớn” cho ngành nông nghiệp Thái Lan, đặc biệt là lĩnh vực sầu riêng.
Nền tảng hỗ trợ dự án sầu riêng được phát triển bởi một công ty khởi nghiệp kỹ thuật số của Thái Lan đã được trao chứng nhận dSURE, chứng minh chất lượng và độ tin cậy của doanh nghiệp.
Ông Pantanu Wannagangsai - cố vấn Bộ Xã hội và Kinh tế số Thái Lan - chia sẻ dự án nêu trên phù hợp với các chính sách của chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề về nợ, thu nhập, chi phí sinh hoạt và ổn định xã hội. Dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, quảng bá các sản phẩm Thái Lan có giá trị cao trên toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là từ Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan có 1,02 triệu rai (khoảng 163.200ha) diện tích trồng sầu riêng và sản xuất 1,53 triệu tấn. Thái Lan cũng là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới. Năm 2023, sầu riêng chiếm 69% tổng lượng trái cây xuất khẩu của Thái Lan, tương đương 991.557 tấn. Thị trường xuất khẩu sầu riêng chính của Thái Lan là Trung Quốc.
Bên cạnh dự án trên, 12.200 nông dân tại 23 tỉnh của Thái Lan dự kiến sẽ được đào tạo về các ứng dụng thương mại điện tử và chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ phát triển nền tảng nông nghiệp quốc gia.
Cũng theo ông Pantanu, Bộ Xã hội và Kinh tế số cam kết đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp truyền thống bằng cách đưa ra các sáng kiến do thị trường thúc đẩy để tăng thu nhập cho người nông dân Thái Lan.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin