Thủ đô Ấn Độ đóng cửa trường học vì sương mù ô nhiễm

HUY QUỐC 22:53, 18/11/2024

Thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã kích hoạt các biện pháp chống ô nhiễm khẩn cấp khi Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 485 vào lúc 9 giờ sáng 18-11. Đây là chỉ số được phân loại "cực kỳ nghiêm trọng", có tác động cực xấu đến sức khỏe.

Tuyến metro đi trong sương mù ô nhiễm ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: ANI

Chỉ số AQI từ 0 đến 50 được coi là tốt, 51 đến 100 là hài lòng, 101 đến 200 là trung bình, 201 đến 300 là kém, 301 đến 400 là rất kém, 401 đến 450 là nghiêm trọng và trên 450 là cực kỳ nghiêm trọng. Ngoài ra, nồng độ chất gây ô nhiễm PM2.5 xâm nhập vào máu qua phổi ở New Delhi được ghi nhận ở mức cao gấp 57 lần mức tối đa hàng ngày do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị vào tối 17-11 và khoảng 39 lần vào lúc rạng sáng 18-11.

Theo Báo Hindu Times, để ứng phó với chất lượng không khí ngày càng xấu đi, Trung tâm Quản lý chất lượng không khí của Ấn Độ (CAQM) đã thực hiện kế hoạch hành động nghiêm ngặt gồm 8 điểm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm leo thang và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp này sẽ được thực thi trên toàn vùng thủ đô quốc gia (NCR) và dự kiến ​​sẽ được duy trì cho đến khi chất lượng không khí được cải thiện.

Các điểm chính của kế hoạch gồm lệnh cấm hoàn toàn xe tải không thiết yếu vào Delhi, ngoại trừ xe tải chở hàng hóa thiết yếu hoặc xe chạy bằng LNG, CNG, năng lượng điện hoặc động cơ diesel BS-VI… Cấm các hoạt động xây dựng, các lớp học trực tiếp chuyển qua trực tuyến, ngoại trừ học sinh lớp 10 và lớp 12. Hạn chế làm việc của Văn phòng chính phủ và tư nhân….

Chất lượng không khí ở miền Bắc Ấn Độ đã xấu đi đáng kể trong tuần qua. Một số khu vực ở Delhi ghi nhận chỉ số AQI là hơn 500. Theo các quan chức Ấn Độ, sự suy giảm chất lượng không khí này một phần do điều kiện thời tiết bất lợi, phần do đốt rơm rạ. Hoạt động này góp phần gây ra khoảng 38% ô nhiễm ở New Delhi trong năm nay, chủ yếu từ các tiểu bang lân cận là Punjab và Haryana.

Mỗi mùa Đông, New Delhi phải đối mặt với tình trạng hỗn hợp chất ô nhiễm, khói bụi cộng với sương mù từ không khí lạnh gây ra tình trạng sương mù ô nhiễm. Không khí ô nhiễm gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm.

Nguồn: BÁO SGGP