Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. (Ảnh minh họa: REUTERS) |
Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Quốc tế Người di cư (18/12) năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, hàng triệu người di cư trên khắp thế giới đáng được tôn vinh bởi những đóng góp quan trọng của họ. Theo báo cáo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố, ngày càng có nhiều người di cư đến các nước OECD tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, thậm chí thành lập doanh nghiệp riêng và khẳng định được tiếng nói tại quốc gia sở tại.
Không thể phủ nhận di cư quốc tế đặt ra những thách thức về phân phối nguồn lực, gây ảnh hưởng đến lao động bản địa. Tuy nhiên, người di cư cũng có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của nước sở tại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, người di cư hợp pháp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi giúp giải tỏa “cơn khát” nhân lực của nhiều nước, nhất là tại châu Âu và châu Á. Tại Đức, nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề là “quả bom nổ chậm”. Theo Nghiên cứu của quỹ Bertelsmann, nếu không có khoảng 288.000 lao động nước ngoài lành nghề nhập cư mỗi năm, quy mô lực lượng lao động của Đức có thể giảm từ khoảng 46,4 triệu người hiện nay xuống còn 41,9 triệu vào năm 2040 và 35,1 triệu người năm 2060, kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế.
Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ ra, người nhập cư ở các nền kinh tế tiên tiến có tác động tích cực đến sản lượng và năng suất, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, hòa nhập người di cư vào thị trường lao động là chìa khóa để tối đa hóa sự đóng góp của họ cho nền kinh tế, đồng thời hạn chế gánh nặng tiềm tàng đối với tài chính công và ổn định xã hội.
Trái với sắc màu tươi sáng đến từ dòng người di cư hợp pháp, nạn di cư trái phép lại tạo ra khoảng tối chưa thể xóa mờ và là vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia. Thực tế cho thấy, bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai, dịch bệnh… đã buộc nhiều người, hầu hết đến từ Trung Đông và châu Phi, mạo hiểm lựa chọn hành trình di cư bất hợp pháp để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Ước mơ của họ nhiều khi bị đánh đổi bằng cả tính mạng. Năm 2023, hơn 8.500 người di cư chết trước khi đến được “miền đất hứa”. Chỉ riêng tại châu Âu, hằng năm, hàng nghìn người di cư bất hợp pháp tử vong hoặc mất tích khi mạo hiểm lựa chọn “tuyến đường chết chóc” từ châu Phi vượt Đại Tây Dương đến Lục địa Già.
Tuy nhiên, những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng di cư bất hợp pháp trên toàn cầu vẫn chưa được giải quyết, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, xung đột tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, số người tị nạn và bắt buộc phải di dời ở khu vực Tây và Trung Phi tăng hơn gấp hai lần, từ mức 6,5 triệu người năm 2019, lên tới 13,7 triệu người năm 2024. Bạo lực cực đoan tại Mali, Burkina Faso và Niger cũng khiến gần 5 triệu người phải di dời. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang góp phần làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn cầu, vốn ở mức rất nghiêm trọng. Báo cáo của UNHCR nhấn mạnh, người di cư đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong 10 năm qua, các thảm họa liên quan đến thời tiết đã buộc khoảng 220 triệu người di dời trong nước, tương đương khoảng 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày.
Thực tế nêu trên đặt các nước và tổ chức quốc tế trước yêu cầu cấp bách phải triển khai những giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng di cư trái phép, đồng thời khai thác tối đa lợi ích mà dòng người di cư hợp pháp mang lại. Liên hợp quốc nhấn mạnh, việc xây dựng các con đường di cư hợp pháp, an toàn là chìa khóa mở ra cánh cửa cơ hội không chỉ đối với người di cư, mà cả nơi tiếp nhận.
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin