Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn

Vĩnh Hà 03:24, 24/12/2024

Với tham vọng giành lại vị trí dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ vừa hoàn tất gói hỗ trợ gần 7 tỷ USD cho các doanh nghiệp để mở rộng sản xuất chip nội địa. Liều thuốc “tăng lực” cho ngành chip bán dẫn của Mỹ cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa các cường quốc đang ngày càng gay gắt hơn.

(Nguồn: AFP/TTXVN)
(Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 21/12 đã phê duyệt khoản tài trợ trị giá 407 triệu USD cho kế hoạch xây dựng cơ sở đóng gói và thử nghiệm tiên tiến trị giá 2 tỷ USD của Amkor Technology tại bang Arizona. Đây có thể là cơ sở đóng gói và thử nghiệm tiên tiến lớn nhất tại Mỹ.

Đồng thời, Bộ Thương mại Mỹ đang hoàn tất gói hỗ trợ lên tới 4,7 tỷ USD cho Samsung Electronics (Hàn Quốc) và 1,6 tỷ USD cho Texas Instruments (Mỹ) nhằm thúc đẩy mục tiêu mở rộng sản xuất chip nội địa.

Đối với Texas Instruments, công ty cam kết đầu tư hơn 18 tỷ USD từ nay đến năm 2029 để xây dựng 2 nhà máy mới tại bang Texas và 1 nhà máy tại bang Utah, có thể tạo ra hơn 2.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Công ty sẽ nhận được số tiền tài trợ là 900 triệu USD cho các hoạt động tại Texas và 700 triệu USD tại Utah. Trong khi đó, cơ sở mới của Amkor tại Arizona, khi đi vào hoạt động đầy đủ, sẽ đóng gói và kiểm soát chất lượng hàng triệu chip dành cho xe tự hành, mạng 5G/6G và trung tâm dữ liệu. Tập đoàn Apple sẽ là khách hàng lớn nhất của Amkor.

Từ tháng 8/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình trợ cấp trị giá 39 tỷ USD dành cho ngành sản xuất chất bán dẫn và các linh kiện liên quan, kèm theo 75 tỷ USD dưới hình thức vay ưu đãi của chính phủ, với mong muốn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn. Bộ Thương mại Mỹ đã cấp khoản hỗ trợ trị giá 458 triệu USD dành cho nhà máy SK Hynix tại bang Indiana.

Riêng với Intel, từ hồi tháng 3 năm nay, Mỹ đã cung cấp nhiều tỷ USD dưới dạng tài trợ và cho vay nhằm thúc đẩy sản lượng chip bán dẫn trong nước của công ty, giúp Intel lấy lại vị thế trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Từ vị trí thống trị lĩnh vực sản xuất chip, là nhà sản xuất chip lớn nhất ở Mỹ tính theo doanh thu, giờ đây, Intel đã bị tụt hạng và chật vật cạnh tranh trong sản xuất loại chip dùng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang bùng nổ. Việc Intel đứng trước những rắc rối tài chính ngày càng tăng có nguy cơ làm chệch hướng chiến lược đầy tham vọng của chính phủ nhằm khôi phục hoạt động sản xuất chip trong nước, bởi Washington coi Intel là mắt xích quan trọng của kế hoạch.

Nhằm củng cố “mắt xích” Intel trong chuỗi sản xuất, cung ứng chip, tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã hoàn tất khoản tài trợ trị giá 7,8 tỷ USD dành cho Intel, sau khi nhà sản xuất chip có trụ sở tại California nhận thêm khoản tài trợ riêng trị giá 3 tỷ USD từ Lầu năm góc. Ngoài ra, Intel còn nhận được khoản vay lên tới 11 tỷ USD, theo đó một phần kinh phí sẽ được sử dụng để xây dựng 2 nhà máy mới và hiện đại hóa 1 nhà máy tại bang Arizona.

Tại Arizona, Intel đang đầu tư hơn 32 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip hàng đầu mới và hiện đại hóa cơ sở tại khuôn viên Ocotillo. Đây là khoản tài trợ lớn nhất trong khuôn khổ Đạo luật CHIPS và khoa học - một đạo luật quan trọng do Tổng thống Biden ký ban hành, nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Mục tiêu chính của chính phủ là giảm bớt sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc cung cấp các linh kiện bán dẫn.

Trong nỗ lực củng cố vị thế cho ngành chip bán dẫn của Xứ cờ hoa, chính quyền Mỹ cũng vừa hoàn tất thỏa thuận đầu tư lên tới 6,2 tỷ USD vào Micron Technology - một trong những công ty bán dẫn hàng đầu của nước này, giúp Micron đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất các loại chip nhớ tiên tiến ngay trên lãnh thổ Mỹ. Khoản đầu tư này là một phần trong kế hoạch dài hạn của Micron, với tổng giá trị lên tới 100 tỷ USD trong vòng 20 năm tới.

Cụ thể, công ty sẽ đầu tư mạnh vào các cơ sở sản xuất tại New York và Idaho, dự kiến sẽ tạo ra khoảng 20.000 việc làm mới. Theo Bộ Thương mại Mỹ, mục tiêu là nâng tỷ lệ sản xuất chip nhớ tiên tiến của Mỹ từ mức chưa tới 2% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2035. Với việc Micron trở thành nhà sản xuất bán dẫn bộ nhớ duy nhất ở Mỹ, công ty này nắm trong tay “cơ hội vàng” để đưa sản xuất chip nhớ thế hệ mới vào lãnh thổ quốc gia, qua đó giúp tăng trưởng và củng cố nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên trường quốc tế.

Trước đây, Mỹ từng sản xuất gần 40% số lượng chip bán dẫn trên toàn cầu, nhưng hiện con số này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 10%, trong đó không có loại chip nào thuộc nhóm công nghệ tiên tiến nhất. Với những khoản đầu tư lớn cho ngành sản xuất chip như trên, nước Mỹ đang gửi đi thông điệp rằng, họ không khoan nhượng trong “cuộc chiến công nghệ” với các cường quốc khác.

Có thể nói chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước và tăng sản xuất chip nội địa của Mỹ không chỉ nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, mà còn là bước đi chiến lược nhằm bảo đảm an ninh kinh tế trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp quay trở lại Nhà trắng.

Dù đương kim Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống đắc cử Trump có rất nhiều khác biệt về quan điểm lãnh đạo, điều hành đất nước, nhưng động thái mới nhất nêu trên của chính quyền Mỹ cho thấy, bất luận ai là ông chủ Nhà trắng, thông điệp “nước Mỹ trên hết” vẫn luôn được coi trọng.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN