(Tư liệu) Người di cư lênh đênh trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi bờ biển thành phố Sfax, Tunisia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến cuối tháng 6/2024, gần 123 triệu người đã phải di dời vì xung đột và bạo lực. Con số này nhiều khả năng còn tăng lên bởi xung đột tiếp tục leo thang ở Trung Đông và bạo lực gia tăng ở Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và nhiều nơi khác. Hiện Sudan đang hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất thế giới, tác động sang cả các nước trong khu vực.
Sudan rất cần sự trợ giúp từ các quốc gia láng giềng, song chính Ai Cập, Cộng hòa Sát và Nam Sudan cũng đang phải chống chịu không ít gánh nặng trong nước. Không được đón nhận, người di cư rơi vào thế kẹt, chẳng thể trở về nhà và cũng không dễ dàng xây dựng lại cuộc sống ở nơi ở mới.
Năm 2024 được xác nhận là năm nóng nhất từng được ghi nhận, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trong đó người di cư cũng là đối tượng dễ bị tổn thương. Thiên tai khiến những người tị nạn chưa tìm được nơi nương náu ổn định, thì lại tiếp tục phải di dời.
Những trận mưa lớn quét qua Đông Phi từ tháng 3 đến tháng 5/2024 làm ngập nhiều trại tị nạn ở Kenya, Burundi và Somalia. Cũng trong tháng 5, hơn nửa triệu người ở miền nam Brazil phải di dời do lũ lụt, bao gồm cả người tị nạn từ Venezuela và Haiti.
Hành trình đầy hiểm nguy khiến tính mạng của người di cư luôn ở thế “chỉ mành treo chuông”. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), năm 2023, gần 8.600 người đã chết trên các tuyến đường di cư. Đây là mức cao kỷ lục, nâng tổng số người di cư chết và mất tích kể từ năm 2014 lên gần 70.000 người.
Con số thực tế có thể còn cao hơn, bởi nhiều trường hợp không được ghi nhận. Quan ngại trước thực trạng này, Tổng Giám đốc IOM Amy Pope cho rằng, mỗi người di cư thiệt mạng là một thảm kịch có thể tránh được.
Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư không phải là điều có thể thực hiện một sớm một chiều. Trong khi đó, mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận khác nhau trong ứng phó tình trạng này. Trước tình trạng người nhập cư trái phép tăng vọt, trong năm tài chính vừa qua, Mỹ đã trục xuất số lượng người cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Hầu hết những người bị trục xuất là người di cư từ các nước Tây bán cầu, vốn chật vật ứng phó nghèo đói và kinh tế suy thoái sau đại dịch Covid-19. Cũng đưa ra biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn nạn nhập cư trái phép qua eo biển Manche, Anh tăng gấp đôi ngân sách cho Bộ Tư lệnh an ninh biên giới và coi các băng nhóm buôn người như tội phạm khủng bố. Anh cũng đẩy mạnh truy quét lao động nhập cư bất hợp pháp.
Là một trong những cửa ngõ chính mà người di cư tìm đường vào châu Âu, Tây Ban Nha cũng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ người tị nạn. Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn duy trì chính sách tiếp nhận người di cư, nhằm mở rộng lực lượng lao động trong nước đang thiếu hụt. Chính sách này được cho là góp phần giúp nền kinh tế Tây Ban Nha đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực.
UNHCR cảnh báo, các cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết có thể đẩy số người di cư trên thế giới lên khoảng 139 triệu người vào năm 2025. UNHCR kêu gọi huy động 10,248 tỷ USD trong năm tới nhằm hỗ trợ những người phải di dời và đã nhận được cam kết tài trợ từ Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức...
Đây là cơ sở để UNHCR tiến hành nhiều kế hoạch sắp tới, như cứu trợ khẩn cấp, xử lý đơn xin tị nạn, hỗ trợ tái định cư, cung cấp nơi trú ẩn, thực phẩm, dịch vụ y tế… Vẫn cảnh báo nguồn lực khó theo kịp nhu cầu ngày một tăng, song người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh rằng, những cam kết tài trợ gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế, mang lại hy vọng cho những người di cư trên hành trình đầy gian nan.
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin