Tân Thủ tướng Pháp khẳng định nhiệm vụ đoàn kết đất nước

06:40, 15/12/2024

Sau các cuộc tham vấn đầy căng thẳng với các nhóm chính trị trong Quốc hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/12 (giờ địa phương) quyết định chọn ông Francois Bayrou làm người đứng đầu chính phủ mới, thay thế ông Michel Barnier buộc phải từ chức sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu tại lễ chuyển giao ở Paris. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou phát biểu tại lễ chuyển giao ở Paris. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Trong phát biểu đầu tiên trước báo giới sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng Pháp, ông Bayrou khẳng định trách nhiệm đoàn kết đất nước của chính phủ mới. Tân Thủ tướng Pháp nhấn mạnh, ông hiểu rõ những khó khăn, thách thức đang chờ đợi trong nhiệm kỳ của mình và khẳng định hòa giải là điều cần thiết.

Tân Thủ tướng Pháp cho biết, ông nhận thức sâu sắc về quy mô của các vấn đề tài chính và chính trị ở nước Pháp, so sánh mức thâm hụt ngân sách hiện nay với nhiệm vụ “vượt dãy Himalaya”. Đề cập mức thâm hụt ngân sách 6,1% GDP hiện nay của Pháp, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, ông hoàn toàn nhận thức được “dãy Himalaya đang rình rập phía trước” và nhiệm vụ kiềm chế tình trạng thâm hụt ngân sách, giảm nợ công không chỉ là ưu tiên chính trị mà còn là “nghĩa vụ đạo đức”.

Ông Bayrou, 73 tuổi, lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ (MoDem), là một chính trị gia trung dung và là đồng minh lâu năm của Tổng thống Macron. Theo giới chuyên gia, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Thủ tướng Bayrou là phải thương lượng với các nhóm chính trị trong Quốc hội để đạt được một “thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm” đối với chính phủ mới.

Bên cạnh đó, ông phải tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025, một vấn đề nhạy cảm cần được Quốc hội thông qua. Các vấn đề nóng khác như cải cách hưu trí và chính sách nhập cư cũng sẽ là những thách thức lớn đối với tân Thủ tướng.

Đảng Những người Cộng hòa (LR) theo đường lối bảo thủ tuyên bố sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tham gia chính phủ mới của tân Thủ tướng hay không, sau khi ông trình bày cương lĩnh chính trị của mình.

Trong khi đó, hãng Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp do lo ngại tình hình chính trị ở quốc gia này có thể làm suy yếu đáng kể tài chính công. Quyết định của Moody’s có thể làm gia tăng áp lực đối với tân Thủ tướng Pháp trong việc tập hợp các nhóm chính trị trong Quốc hội để tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dự thảo ngân sách năm 2025.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN