Argentina đã đạt bước tiến ngoạn mục

Bảo Nam 05:00, 22/01/2025

Từng là quốc gia nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhiều nhất, Argentina đã đạt bước tiến ngoạn mục khi đạt thặng dư tài chính lần đầu sau 14 năm và đưa lạm phát xuống mức thấp nhất trong 6 năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: REUTERS)
Ảnh minh họa. (Nguồn: REUTERS)

Tại buổi hội đàm với Tổng thống Argentina Javier Milei tại Washington ngày 19/1, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá cao những tiến bộ lớn của Argentina trong năm 2024. Người đứng đầu IMF nhấn mạnh, buổi hội đàm “diễn ra rất tuyệt vời trong bối cảnh Argentina đạt được tiến triển lớn trong việc giảm lạm phát, ổn định nền kinh tế và tăng trưởng trở lại”, đồng thời nhận định tình trạng đói nghèo ở nước này cũng đang giảm dần.

Phát biểu sau buổi hội đàm, bà Georgieva cho biết một phái đoàn của IMF sẽ tới Buenos Aires trong tuần này để đàm phán về một thỏa thuận tín dụng mới nhằm hỗ trợ Argentina phát triển năng động và thịnh vượng hơn. Argentina, nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực Mỹ Latin, đang đàm phán với IMF về khoản vay trị giá 44 tỷ USD. Theo bà Georgieva, IMF sẽ nhanh chóng xây dựng một chương trình tín dụng mới để tiếp thêm động lực cho Argentina phát triển và đây là thời điểm rất thuận lợi vì nền kinh tế nước này “đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và quan trọng hơn là người dân ủng hộ các cải cách, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công”.

Là một nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và cũng là một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, lịch sử nợ nần của Argentina bắt đầu từ cuối những năm 1990, khi quốc gia Nam Mỹ vỡ nợ sau khi vay tiền để hiện đại hóa thủ đô Buenos Aires. Argentina từng là nước nợ IMF nhiều nhất. Hồi năm 2018, dưới thời Tổng thống Mauricio Macri, IMF cho Argentina vay 45 tỷ USD. IMF luôn đưa ra các điều kiện tài chính, kinh tế cụ thể và khắt khe để có thể duy trì một thỏa thuận cơ cấu lại nợ với Argentina và sẽ xem xét việc đáo nợ 3 tháng một lần. Theo ước tính trong năm 2024, Argentina nợ IMF tới hơn 32 tỷ USD, tương đương 5,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Chính phủ Argentina đã nỗ lực thực hiện chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2024 thông qua việc cắt giảm triệt để trợ giá của nhà nước đối với các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông, giao thông công cộng, khí đốt, xăng dầu, y tế và giáo dục, cũng như tái cơ cấu bộ máy hành chính công thông qua cắt giảm 34.000 người lao động. Do vậy, những nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của Argentina được đền đáp xứng đáng.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Luis Caputo cho biết, năm 2024, lần đầu sau 14 năm, Argentina đạt thặng dư tài chính ở mức tương đương 1,8% GDP. Trên tài khoản mạng xã hội X, ông Caputo khẳng định chính sách tiết kiệm ngân sách và sàng lọc người lao động trong khu vực công vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2025 và đánh giá kết quả tài chính năm 2024 là một cột mốc lịch sử của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin.

Ông Caputo nhấn mạnh chương trình ưu tiên cắt giảm chi tiêu công đã làm thế giới ngạc nhiên, đồng thời khẳng định chính sách “thắt lưng buộc bụng” về tài chính là công cụ cốt lõi để phục hồi sự ổn định kinh tế vĩ mô và hòa bình xã hội. Bộ trưởng Kinh tế Argentina nhận định, với việc xóa bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách, Argentina sẽ không còn phải theo đuổi việc phát hành tiền và nhờ đó lạm phát mới được kiềm chế. Từ nhiều thập kỷ nay, “bóng ma” lạm phát luôn là nỗi ám ảnh với Argentina.

Sau những nỗ lực điều chỉnh chính sách tài khóa trong năm đầu cầm quyền, chính phủ của Tổng thống Javier Milei bước đầu đã kiềm chế được tình trạng lạm phát phi mã, tuy vẫn ở mức cao trên thế giới. Bộ trưởng Kinh tế Luis Caputo tuyên bố mức lạm phát của Argentina năm 2024 là mức thấp nhất kể từ năm 2018.

Dự kiến, lạm phát Argentina sẽ giảm xuống 25% và tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5% vào năm 2025. Chính phủ Argentina cũng nhấn mạnh nhờ những nỗ lực của người dân, đất nước đã ổn định và bắt đầu khôi phục các điều kiện cần thiết để bắt tay vào con đường đi tới thịnh vượng.

Trong bối cảnh “sức khỏe” nền kinh tế được cải thiện, Chính phủ Argentina đã đặt mục tiêu tái thiết đất nước trong năm 2025. Theo đó, chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu. Việc cho phép lưu hành song song đồng peso nội tệ cũng như USD từ tháng 2 tới sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại tiền. Ngoài ra, Argentina sẽ bãi bỏ nhiều quy định cản trở phát triển và hướng tới tự do kinh tế.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN