Hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu

Bảo Nam 17:16, 13/01/2025

Các vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra ở Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan và đặc biệt nghiêm trọng tại Mỹ những ngày qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những ngày gần đây, thời tiết tại Hong Kong (Trung Quốc) khô hanh khiến cháy rừng bùng phát ở Công viên Lam Tsuen ở Yuen Long. Lực lượng cứu hộ Hong Kong đã điều trực thăng giải cứu người đi bộ đường dài bị mắc kẹt trong khu vực do lửa và gió mạnh. Tại Thái Lan, các đám cháy đã thiêu rụi gần 160 ha rừng trên núi Khao Loi ở tỉnh Nakhon Ratchasima, gần Công viên quốc gia Khao Yai - một di sản thế giới.

“Giặc lửa” còn đe dọa nghiêm trọng bang California của Mỹ. Sáu đám cháy rừng bùng phát cùng lúc đã tàn phá khu vực Los Angeles và khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, phá hủy hơn 10.000 công trình xây dựng. Cháy rừng đã càn quét khu vực rộng 14.100 ha, gây thiệt hại ước tính gần 150 tỷ USD. Giới chức và truyền thông Mỹ cảnh báo biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng, theo đó kêu gọi chính quyền liên bang cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, cháy rừng cho thấy con người cần hành động mạnh mẽ hơn về giảm phát thải khí nhà kính.

Tương tự, nhiều tờ báo Mỹ như The New York Times và Los Angeles Times, liên tục nhấn mạnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. Thống đốc California đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ liên bang để đối phó một trong những vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang. California đã điều động hàng trăm nhân viên cứu hỏa, máy bay trực thăng và máy bay chữa cháy để khống chế đám cháy. Chính quyền địa phương cũng thiết lập các trung tâm tạm trú và cung cấp hỗ trợ y tế, tâm lý cho người dân bị ảnh hưởng. Sở Cứu hỏa Los Angeles đã triển khai hàng nghìn lính cứu hỏa để kiểm soát đám cháy, tuy nhiên thời tiết khô hanh và gió mạnh đang gây nhiều khó khăn.

Các vụ cháy rừng diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng, 2024 là năm nóng nhất lịch sử, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu. Dữ liệu từ các cơ quan khí tượng tại Anh, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho thấy, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 đạt 1,60C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là năm thứ hai liên tiếp mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất vượt qua 1,50C - ngưỡng được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm hạn chế những tác động nghiêm trọng của hiện tượng này. Tổng thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu năm 2024 ước tính lên tới 140 tỷ USD - mức cao thứ ba trong lịch sử.

Sự tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Bà Samantha Burgess - Giám đốc Chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus

Bà Samantha Burgess - Giám đốc Chiến lược khí hậu của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus - nhấn mạnh rằng, sự tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Bà cảnh báo: “Nếu không hành động khẩn cấp, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến băng tan nhanh, mực nước biển dâng cao và các hệ sinh thái bị đẩy đến bờ vực sụp đổ”.

Mặc dù năm 2025 được dự đoán sẽ không nóng dữ dội như năm 2024 nhờ hiện tượng La Nina, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng, nhiệt độ toàn cầu vẫn nằm trong tốp 3 năm nóng nhất lịch sử. Giám đốc Copernicus, ông Carlo Buontempo khẳng định: “Chúng ta vẫn có thể thay đổi quỹ đạo khí hậu nếu hành động ngay bây giờ. Tương lai của hành tinh này đang nằm trong tay chúng ta”.

Các thảm họa cháy rừng gần đây là lời cảnh báo về các thách thức lớn do biến đổi khí hậu và sự thiếu chuẩn bị của con người trước thiên tai. Để giảm thiệt hại trong tương lai, chính phủ các nước cần đầu tư vào quản lý rừng và cơ sở hạ tầng chống thiên tai. Cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng, hành động kịp thời và sự đoàn kết là chìa khóa để giảm nhẹ cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên và xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hành tinh xanh.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN