Theo đó, vùng kinh tế - xã hội ven biển của tỉnh sẽ được tập trung phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng như: kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác thủy hải sản; năng lượng tái tạo; công nghiệp và dịch vụ gắn kinh tế biển; tài nguyên khoáng sản biển. Việc phát triển kinh tế của vùng bảo đảm nguyên tắc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; bảo đảm an ninh, trật tự trên biển và triển khai tốt các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Cảng cá Trần Đề sẽ là một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá mạnh trong khu vực một khi Khu kinh tế ven biển Trần Đề được hình thành và kết nối với thành phố Sóc Trăng. Ảnh: TÍCH CHU
Dọc theo cửa biển Trần Đề và vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng, tới đây sẽ được nghiên cứu phát triển, thành lập Khu kinh tế ven biển Trần Đề quy mô dự kiến lên đến khoảng 40.000ha. Nơi đây được định hướng là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, nhằm khai thác, phát huy đồng bộ, hiệu quả cảng biển nước sâu Trần Đề khi được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Hiện hai bên bờ Kinh Ba thuộc khu neo đậu tránh trú bão là dãy nhà to lớn với thiết kế hiện đại; các phương tiện đánh bắt cũng to lớn và hiện đại hơn; đội ngũ thương lái, doanh nghiệp chế biến cũng hội tụ về đây ngày một đông đúc, cho thấy, kinh tế biển nơi đây đã có sự phát triển và hiện đang là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của huyện Trần Đề nói riêng và của tỉnh nói chung.
Nếu chỉ tính riêng về nghề khai thác biển, Trần Đề vốn đã có lợi thế rất lớn về dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng Trần Đề được xếp vào nhóm 15 cảng cá lớn trên toàn quốc và có vị trí rất thuận lợi, khi vừa gần ngư trường khai thác, vừa có khu công nghiệp, vừa kết nối được các tuyến giao thông quan trọng với các tỉnh, thành, như: tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quốc lộ 1A, cùng mạng lưới tỉnh lộ đấu nối vào. Các hoạt động khai thác biển không chỉ được gắn kết với cảng cá Trần Đề, hay xa hơn là Khu Công nghiệp Trần Đề, mà còn được kết nối với thành phố Sóc Trăng thông qua tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy toàn diện lợi thế về kinh tế biển. Đây cũng chính là một trong những điều kiện hấp dẫn, thu hút ngày càng đông lượng tàu khai thác ngoài tỉnh vào sử dụng các dịch vụ hậu cần của cảng.
Còn theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị, thì Trần Đề được định hướng đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, là thị xã trực thuộc tỉnh và định hướng phát triển thành thị xã với hướng phát triển không gian chính là hướng về thành phố Sóc Trăng và ven sông Hậu. Khi đó, Trần Đề sẽ là trung tâm kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, được tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải, hàng hải, các khu sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo ven biển, du lịch biển và đô thị biển; gắn kết với cảng biển ở cửa ngõ Trần Đề, Khu kinh tế ven biển Trần Đề, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Một trong những đô thị trung tâm khác của vùng kinh tế - xã hội ven biển tỉnh Sóc Trăng, kết nối với Trần Đề bằng tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu chính là thị xã Vĩnh Châu. Nơi đây tiếp tục được nghiên cứu phát triển mở rộng đô thị theo hướng tạo lập các khu chức năng, các khu đô thị lấn biển với tính chất, quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, địa chất, thủy văn và đảm bảo điều kiện kết nối với hạ tầng, theo định hướng phát triển của thị xã. Không những thế, trong tương lai, thị xã Vĩnh Châu sẽ là một đô thị thương mại, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cảnh quan, nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế biển như: điện gió ngoài khơi, nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ) và dịch vụ hậu cần biển.
Cùng nằm trong hệ thống vùng kinh tế - xã hội ven biển, thành phố Sóc Trăng được quy hoạch là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch, trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử… kết nối và hỗ trợ đắc lực cho Trần Đề và Vĩnh Châu trong vai trò là đô thị tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Do đó, cần có nghiên cứu về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Sóc Trăng một cách hợp lý, nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho việc định hướng đến năm 2030, thành phố Sóc Trăng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Có thể thấy, việc quy hoạch tích hợp thành phố Sóc Trăng vào vùng kinh tế - xã hội ven biển không chỉ làm tăng quy mô phát triển vùng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế biển chiến lược, quan trọng của tỉnh và xa hơn là cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở chiều ngược lại, một khi các ngành kinh tế biển phát triển sẽ tác động tích cực đến tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cũng như sự phát triển của các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính…, thành phố Sóc Trăng phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Tất cả đã và đang được định hình một cách cụ thể, rõ ràng hơn để trong tương lai không xa, Sóc Trăng trở thành một tỉnh có nền kinh tế khá và là nơi đáng sống trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
TÍCH CHU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin