PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM OCOP
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Sóc Trăng hiện đã có 217 sản phẩm đạt các hạng sao OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 205 sản phẩm đạt 3 sao của 122 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và 10 sản phẩm tiềm năng 4 sao OCOP của huyện đang chuyển hồ sơ đến cấp tỉnh để được xem xét, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, để xã đạt được chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thì địa phương phải có 1 sản phẩm đạt sao OCOP. Chính vì vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP được các địa phương và hộ dân trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển, duy trì và nâng chất.
Sản phẩm OCOP Sóc Trăng được trưng bày, giới thiệu tại các lần hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU
Hơn 30 năm sản xuất bánh phồng tôm theo hình thức hộ gia đình, sản phẩm bánh phồng tôm của ông Dương Hoàng Vũ - Chủ cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Nhu Gia, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) được xét đánh giá đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ông Vũ tâm tình: “Khi sản phẩm bánh phồng tôm đạt sao OCOP thì số lượng bán ra đã tăng gấp đôi so với trước, trong đó bánh phồng tôm bán dịp tết Nguyên đán chiếm 50%. Với lợi ích thiết thực từ Chương trình OCOP đem đến, tôi tiếp tục duy trì và nâng chất lượng sản phẩm để nâng thứ hạng sao OCOP, mở rộng thị trường kinh doanh”.
Còn anh Nguyễn Hoàng Duy, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã không ngừng cố gắng, nỗ lực suốt 4 năm để trồng được trái dưa lưới ngon ngọt, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và niềm vui lớn đã đến, dưa lưới anh trồng đạt 3 sao OCOP. Hiện nay, diện tích trồng dưa lưới của anh Duy là hơn 2.300m2/3 nhà màng, theo quy trình công nghệ cao, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Vì được trồng theo quy trình công nghệ cao nên trái dưa lưới đạt năng suất tốt, tỷ lệ trái đạt loại nhất trên 90%, chất lượng trái ngon, ngọt, giòn, an toàn vệ sinh thực phẩm nên được thị trường rất ưa chuộng. Anh Duy cho biết, tổng sản lượng dưa lưới thu hoạch hằng năm hơn 50 tấn. Riêng trong dịp tết Nguyên đán năm nay, anh Duy sẽ dành 2 nhà màng để trồng dưa lưới phục vụ thị trường Tết, ước sản lượng đạt từ 9 - 10 tấn trái.
Anh Nguyễn Hoàng Duy, xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) bên trong nhà màng trồng dưa lưới cho thu hoạch sản lượng hơn 60 tấn trái/năm. Ảnh: THÚY LIỄU
ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP
Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành các hỗ trợ về công nghệ, trang thiết bị máy móc, công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng sản phẩm, thiết kế, in ấn bao bì, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho hàng trăm sản phẩm đạt sao OCOP. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cho 100% sản phẩm, xây dựng website thương mại điện tử hơn 80 sản phẩm, phát triển 8 cửa hàng bán, trưng bày sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố. Thông qua hoạt động hỗ trợ, đã giúp cho các chủ thể có điều kiện cải tiến quy trình sản xuất đóng gói, cải thiện nhãn mác bao bì sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.
Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU
Trọng tâm Chương trình OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm, giải pháp vì nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững... Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đánh giá nâng hạng sản phẩm OCOP thì đảm bảo sản phẩm tham gia chương trình chất lượng, an toàn; đồng thời, sử dụng nhãn mác, logo, biểu tượng theo quy định. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm hướng tới đạt các chứng nhận tiên tiến trong sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, trong nước và quốc tế, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ và định hướng xuất khẩu. Chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phát triển sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, không ngừng nâng cao chất lượng mẫu mã các sản phẩm OCOP...
Đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của huyện theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh; bố trí nguồn lực từ ngân sách huyện, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện Chương trình OCOP. UBND cấp xã phân công cán bộ chuyên môn phụ trách, triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn quản lý; chủ động rà soát các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình; tuyên truyền cho các tổ chức kinh tế, người dân về ý nghĩa các chính sách hỗ trợ của Chương trình OCOP, tích cực hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức kinh tế chuẩn bị hồ sơ, tài liệu tham gia Chương trình OCOP.
THÚY LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin