Kỳ vọng vào cao tốc

04:50, 12/02/2024

STO - Là một trong những tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long được Đảng, Nhà nước đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt các công việc được giao, phấn đấu dự án cao tốc sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng theo tinh thần Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

NHƯỜNG ĐẤT Ở ĐỂ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH 

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng cảm ơn người dân trong vùng dự án đã đồng lòng, ủng hộ, nhường nơi ở, nơi canh tác, sinh kế của mình cho dự án.  

Đồng thuận và ủng hộ việc xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, bà Võ Thị Mười, ở ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) đã chủ động mua đất, xây dựng nhà, ổn định nơi ở mới để giao mặt bằng cho chính quyền địa phương. Theo bà Mười, căn nhà trong diện giải tỏa nằm trên đường lộ lớn, giao thông thuận lợi, nên việc mua bán, làm ăn thuận lợi trăm bề. Nhưng chủ trương xây dựng cao tốc rất ý nghĩa, thiết thực nên bà ủng hộ ngay. Ngay khi nhận tiền bồi thường, bà Mười đã tìm mua mảnh đất mới xây dựng nhà ở, dù đường sá không rộng rãi như trước đây nhưng nhà mới khang trang hơn. Hy vọng cao tốc hoàn thành, kinh tế địa phương phát triển, việc buôn bán của gia đình sẽ ngày càng khởi sắc.

Bà Võ Thị Mười, ở ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) vui vẻ nhường đất ở thực hiện dự án cao tốc vì bà tin chắc rằng dự án cao tốc sẽ giúp địa phương phát triển, cuộc sống người dân sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc. Ảnh: MỸ LINH

Hơn 300m2 đất thổ cư cộng với đất trồng cây lâu năm, căn nhà được các con tích cóp xây dựng vào năm 2017 với trị giá gần 300 triệu đồng, bà Hữu Thị Lan, cũng ở ấp Sóc Lèo B, thị trấn Lịch Hội Thượng vui vẻ nhường đất cho dự án cao tốc để về sinh sống tại khu tái định cư. Bà Lan cho biết, thời gian qua, các con bà đều đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ về thăm bà 1 - 2 lần. Vì vậy, khi có cao tốc, các khu, cụm công nghiệp sẽ mọc lên, doanh nghiệp sẽ vào mở công ty, xí nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương và con bà có thể làm việc, sinh sống ổn định tại quê nhà. Ngoài ra, hạ tầng khu tái định cư rất khang trang, đồng bộ, nên việc sinh hoạt, đi lại, nhất là nghề may của con gái bà sẽ thuận lợi hơn.

Để triển khai xây dựng dự án cao tốc, tỉnh Sóc Trăng cần thu hồi 331ha đất, ảnh hưởng 1.811 hộ, tổ chức thuộc các huyện: Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng. Theo đồng chí Đặng Văn Phương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, địa phương đã vận dụng tối đa các chủ trương, chính sách, làm sao có lợi cho người dân. Những vấn đề “khó”, ý kiến, nguyện vọng của người dân cũng được địa phương ghi nhận, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, hỗ trợ người dân. Trong quá trình người dân tháo dỡ nhà cửa, di dời về nơi ở mới, chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ. Do vậy, người dân trong vùng dự án đã ủng hộ chủ trương, đồng thuận nhường đất ở để xây dựng cao tốc.

ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Trong những lần trao đổi trực tiếp với người dân trong vùng dự án, đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, cao tốc là ước mơ từ rất lâu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Dự án nhằm kết nối hệ thống giao thông, hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối với các trục dọc, góp phần phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, từ đó kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam; tạo động lực và không gian phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Những lợi ích trên góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, sự đồng thuận và chia sẻ của người dân trong vùng dự án chính là yếu tố then chốt, giúp công trình trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ.

Với phương châm “khó đâu gỡ đó”, nội dung nào vượt thẩm quyền sẽ xin ý kiến cấp trên giải quyết nhanh nhất có thể; đặc biệt, tỉnh tranh thủ tối đa các cơ chế đặc thù dành cho dự án cao tốc để triển khai thực hiện. Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh đã thực hiện cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo đúng ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Bên cạnh đó, để người dân ảnh hưởng dự án cao tốc có cuộc sống từ bằng đến tốt hơn nơi ở cũ, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện 4 khu tái định cư có tổng diện tích là 6,33ha, gồm 238 nền, giúp người dân an cư, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, 4 gói thầu (số 9, 10, 11, 12) trên địa bàn tỉnh đã được các nhà thầu triển khai đúng tiến độ.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: MỸ LINH

TẠO XUNG LỰC, DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 được khởi công vào ngày 17/6/2023. Dự án có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang); điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Sóc Trăng là tỉnh thực hiện dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, có tổng chiều dài khoảng 58,37km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng với tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, dự án cao tốc là dự án trọng điểm của quốc gia và là công trình đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh, thành phố có cao tốc đi qua, trong đó có Sóc Trăng. Đón đầu cao tốc, thời gian qua tỉnh khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Bởi khi dự án cao tốc hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến giao thông chính của tỉnh, tạo xung lực, dư địa để địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… góp phần đưa Sóc Trăng vươn lên phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Theo Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027. Thời gian về đích hoàn toàn khả thi vì dự án luôn có sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương; sự quyết tâm trách nhiệm cao trong triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của người dân trong vùng dự án. Không lâu nữa, Sóc Trăng sẽ có cao tốc, không chỉ giúp địa phương “tháo điểm nghẽn” giao thông mà còn tạo xung lực, dư địa mạnh mẽ để tỉnh tăng tốc phát triển, trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

MỸ LINH