Trần Đề là huyện nằm ở vị trí phía Đông của tỉnh Sóc Trăng, có 12km bờ biển tiếp giáp biển Đông và 2 cửa sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh; có Quốc lộ Nam Sông Hậu đi qua... Trong những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông, điện, nước để phục vụ sản xuất trên mọi lĩnh vực. Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Đề có công trình trọng điểm, nổi bật là Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 có điểm cuối nằm ở huyện Trần Đề và đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ quy hoạch với tiềm năng trở thành cảng biển đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ của vùng.
Khai thác thủy hải sản là thế mạnh phát triển kinh tế biển của huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: QUANG BÌNH
Với lợi thế nêu trên, huyện Trần Đề được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, du lịch và hợp tác đầu tư. Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 228 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, trong đó có nhiều doanh nghiệp với quy mô nguồn vốn khá lớn; toàn huyện hiện có trên 4.790 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động trên các lĩnh vực, giải quyết việc làm cho hơn 9.440 lao động. Với lợi thế từ cửa sông và bờ biển thì huyện có 620 tàu khai thác hải sản, cho sản lượng khai thác thủy, hải sản hằng năm khá lớn…
Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới, trong những năm qua, huyện Trần Đề thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Huyện có sự chủ động phối hợp đề xuất các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lãnh đạo UBND huyện quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bộ phận một cửa thực hiện cơ chế một cửa liên thông và mô hình một cửa điện tử hiện đại… nhằm làm giảm tối đa các thủ tục, rút ngắn thời gian trong giải quyết công việc với tổ chức, công dân, doanh nghiệp. Huyện cũng chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm giảm bớt những chồng chéo, phiền hà, sách nhiễu đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đất đai, mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản… các điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, huyện Trần Đề đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng chung cả nước, còn nhiều khó khăn… Tuy nhiên, huyện nhà cũng có nhiều cơ hội phát triển trong những năm tới khi mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh và làn sóng các doanh nghiệp FDI có xu hướng chuyển đầu tư vào Việt Nam thì việc nắm bắt cơ hội - sự liên kết liên doanh để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của huyện Trần Đề có cơ hội phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ.
“Trong thời gian tới, lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành chức năng có liên quan tiếp tục truyền tải đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về thế mạnh và định hướng phát triển của huyện. Với mục tiêu là tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tập trung thực hiện 3 khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn cho biết thêm.
Lãnh đạo huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ảnh: QUANG BÌNH
Để xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề Nguyễn Trọng Sơn đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tự lực cánh sinh và đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp, năng động, chủ động tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cộng đồng doanh nghiệp không ngừng học hỏi nâng cao trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nắm vững luật pháp, chiêu dụng người tài để phát triển; đồng thời xây dựng thương hiệu của riêng mình. Trong đó là chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, chú trọng đầu tư hơn nữa cho công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường... Các phòng, ban ngành, UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Huyện Trần Đề sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, địa phương cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Và hy vọng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
QUANG BÌNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin