Phát triển kinh tế nông thôn từ Chương trình OCOP
Đầu năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng công bố sản phẩm OCOP 4 sao cho 10 sản phẩm. Như vậy, tính đến hiện tại, Sóc Trăng có 227 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 205 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sản phẩm OCOP đặc trưng của Sóc Trăng tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Từ việc triển khai Chương trình OCOP, các địa phương đã quy hoạch được vùng nguyên liệu đặc sản, hình thành nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tạo thương hiệu cho địa phương, như: trứng Artemia Vĩnh Châu, trà mãng cầu Cẩm Thiều Ngã Năm, hành tím Vĩnh Châu, sữa bò Evergrowth, sữa tươi thanh trùng Ba Xuyên, các sản bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím của Kế Sách, mứt mận Ngọc Hạnh huyện Mỹ Tú, khô trâu Sáu Sành của Thạnh Trị, mứt củ hành tím Cô Mới, sản phẩm Gạo ST25 (Ông Cua) huyện Mỹ Xuyên đã 2 lần được công nhận là gạo ngon nhất thế giới… Tất cả các sản phẩm OCOP đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, tăng doanh thu.
Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cẩm Thiều chia sẻ: “Tôi khởi nghiệp với sản phẩm trà mãng cầu vào năm 2017. Hiện công ty có 3 sản phẩm trà mãng cầu đạt OCOP 4 sao. Tiếp nối thành công của sản phẩm trà mãng cầu, tôi tiếp tục sản xuất thêm các loại mứt mãng cầu, rượu vang mãng cầu xiêm và may mắn lại được thị trường ưa chuộng. Hiện ở địa phương, nhiều gia đình đã bắt tay vào sản xuất trà mãng cầu và các sản phẩm khác với nguyên liệu từ trái mãng cầu, đồng thời nỗ lực đưa sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc đa dạng sản phẩm từ trái mãng cầu đã góp phần nâng cao giá trị của loại nông sản này trong những năm gần đây, mang lại một làn gió mới trong phát triển kinh tế của bà con Ngã Năm”.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. Từ việc thực hiện chương trình, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ đã chuyển sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, theo nhu cầu thị trường, hình thành các sản phẩm OCOP đa giá trị, phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã, Sóc Trăng luôn xem việc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, Chương trình OCOP được ví như hạt nhân góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân địa phương cải thiện, ổn định. Đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn, được các tổ chức thương mại ưu tiên đặt hàng tiêu thụ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, thời gian qua, Sóc Trăng tích cực tăng cường quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa hơn.
Tiếp tục phát huy vai trò của Chương trình OCOP
Ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như: phấn đấu đến cuối năm 2024, Sóc Trăng có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ 3 - 4 sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia dự thi đánh giá xếp hạng 5 sao; củng cố và nâng hạng ít nhất 15% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; phấn đấu có 15% chủ thể OCOP là hợp tác xã; có ít nhất 10% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; phấn đấu có thêm 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố…
Đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN
Để đạt các mục tiêu đề ra, kế hoạch sẽ triển khai tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Tăng cường chuyển đổi số, trong đó, triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP…
Trước đó, theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 6 - 7 sản phẩm của tỉnh đạt 5 sao; nâng hạng ít nhất 50% sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP; phấn đấu 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% chủ thể tham gia các kênh bán hàng hiện đại…
Với vai trò chủ trì thực hiện các kế hoạch, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã tập trung phối hợp với các đơn vị đoàn thể địa phương tuyên truyền Chương trình OCOP để khuyến khích các thành viên hội, đoàn thể, các hợp tác xã tăng cường phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng trên cơ sở các sản phẩm hiện có của chủ thể; tăng cường hỗ trợ một số chủ thể trong thiết kế bao bì để nâng tính thẩm mỹ, sức thu hút cho sản phẩm đảm bảo đẹp, sang trọng, nhãn mác đúng quy định, hỗ trợ chứng nhận tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như VietGAP, Global GAP, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ chứng nhận ISO, HACCP trong chế biến sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến tay người tiêu dùng ở các vùng miền.
Theo đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng, quan điểm của tỉnh là phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ, du lịch của ấp, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái bền vững. Trong đó, địa phương phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP, tổ chức tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đối với các chủ thể OCOP cần nâng cao chất lượng, quản trị quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, việc hỗ trợ các chủ thể thường xuyên nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất sản phẩm cũng là yếu tố cần thiết để Chương trình OCOP triển khai hiệu quả.
XUÂN NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin