Chán ăn có phải dấu hiệu cảnh báo ung thư gan?

12:02, 18/11/2024

Nhiều ý kiến cho rằng, chán ăn, mệt mỏi, đầy bụng là những dấu hiệu cảnh báo gan gặp vấn đề, thậm chí có thể bị ung thư, điều này có đúng?

Theo BSCKI Nguyễn Chí Thanh, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, gan là cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng như đào thải độc tố, sản xuất mật, lưu trữ vitamin và khoáng chất, chuyển hóa các chất, tổng hợp các yếu tố đông máu, albumin.

Ung thư gan là tình trạng tế bào gan phát triển bất thường, thường do đột biến DNA trong cơ thể, hình thành khối u ác tính, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan này. Đôi khi, khối u ác tính ở gan phát triển từ một số bệnh lý khác như viêm gan, xơ gan.

Ở giai đoạn sớm, ung thư gan thường không biểu hiện rõ ràng, khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh gan khác. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể gợi ý ung thư gan giai đoạn sớm như chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, uể oải, cảm giác ớn lạnh, sốt cao, da mặt sạm đen (do chức năng chuyển hóa melanin của gan bị suy giảm), đau vùng hạ sườn bên phải.

Khi có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện khám để bác sĩ kiểm tra. Nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm liên quan để đánh giá và chẩn đoán bệnh.

Chán ăn có phải dấu hiệu cảnh báo ung thư gan là thắc mắc được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ)
Chán ăn có phải dấu hiệu cảnh báo ung thư gan là thắc mắc được nhiều người quan tâm. (Ảnh minh hoạ)

Nếu ung thư gan không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiến triển đến giai đoạn muộn. Lúc này các triệu chứng rõ ràng và với mức độ nghiêm trọng hơn như gan to (có thể sờ thấy), đau hạ sườn phải với tần suất và mức độ ngày càng tăng, ngứa da (bilirubin trong máu tăng), vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân.

Mọi người nên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư. Ở giai đoạn sớm, ung thư gan thường không có dấu hiệu rõ ràng nên đa phần mọi người ít chú ý. Những người có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C nên tầm soát bằng siêu âm bụng tối thiểu 6 tháng một lần.

Khi nghi ngờ ung thư gan, bác sĩ chỉ định thêm những cận lâm sàng khác để chẩn đoán xác định như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính vùng bụng, chụp cộng hưởng từ vùng bụng, sinh thiết gan. 

“Tầm soát ung thư gan định kỳ là cách hiệu quả giúp bác sĩ sớm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống”, bác sĩ Thanh khuyên.

Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS