Chủ động, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

HOÀNG PHÚC 10:07, 14/11/2024

STO - Hiện nay, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho các yếu tố dịch tễ của bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh; ý thức bảo vệ sức khỏe của một bộ phận người dân còn hạn chế, lực lượng cán bộ y tế dự phòng còn thiếu, cùng với sự hiện diện sẵn có của mầm bệnh trong cộng đồng dân cư, nên nguy cơ bùng phát các dịch bệnh là rất lớn. Điều này đòi hỏi hoạt động phòng, chống dịch bệnh phải được triển khai chủ động, hiệu quả nhằm giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra.

Đến cuối tháng 10/2024, trên toàn tỉnh có 1.138 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, giảm 2.440 trường hợp (68%) so với cùng kỳ năm 2023, giảm 303 trường hợp (21%) so với trung bình 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Số trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng 32, giảm 99 trường hợp (76%) so với năm 2023. Số trường hợp mắc tay - chân - miệng tích lũy là 1.652, giảm 1.292 trường hợp (44%) so với cùng kỳ năm 2023; ghi nhận 3 trường hợp tay - chân - miệng độ nặng tích lũy 61 trường hợp, giảm 109 trường hợp (64%) so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng

Bên cạnh đó, tổng tích lũy sốt phát ban nghi/sởi rubella được phát hiện, giám sát là 214 trường hợp, tính đến hết tuần 43, tích lũy 43 trường hợp sởi dương tính, 1 trường hợp rubella dương tính. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và bệnh mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh ổn định.

Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý dịch chủ động, không để chậm trễ làm dịch lây lan ra diện rộng. Ảnh: HOÀNG PHÚC
Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý dịch chủ động, không để chậm trễ làm dịch lây lan ra diện rộng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Qua đó có thể thấy rằng, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và bệnh mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh có chiều hướng giảm và đi vào ổn định; giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra. Điều đó chứng tỏ công tác phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Đạt được kết quả đó, ngành Y tế nói chung, mạng lưới công tác phòng, chống dịch nói riêng đã có những nhận định, dự báo tình hình bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng mở rộng, khả năng sẽ bùng phát dịch bệnh, từ đó đề ra các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp.

Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai nhiều hoạt động chuyên môn, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống bệnh dịch bệnh, góp phần giảm nguy cơ lan truyền bệnh, khống chế không để dịch xảy ra. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn tỉnh, cập nhật thông tin ca bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo chuyên môn của ngành cấp trên cho tuyến dưới; xử lý triệt để các ổ dịch/ca tản phát ngay khi phát hiện, tổ chức Chiến dịch lăng quăng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi sốt xuất huyết chủ động diện rộng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật thông tin cho cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc - Trưởng Trạm Y tế xã Phú Hữu (huyện Long Phú) cho hay: “Cán bộ, viên chức trạm y tế được tham gia các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh để bổ sung, cập nhật nhiều thông tin, kiến thức mới về phòng dịch bệnh, trong đó có tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, để từ đó có sự chủ động trong các hoạt động phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng tăng cường các hoạt động truyền thông đến người dân về phòng, chống sốt xuất huyết, tay - chân - miệng; hiệu quả mang lại là rất thiết thực, người dân có ý thức cao trong phòng, chống sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, các loại dịch bệnh khác”.

Tuy nhiên, theo nhận định, dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong thời gian tới, điều kiện thời tiết ẩm ướt, thuận lợi cho các yếu tố dịch tễ của bệnh phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự hiện diện sẵn có của mầm bệnh trong cộng đồng dân cư, nhu cầu tích trữ nước cũng như gia tăng số dụng cụ chứa nước có khả năng chứa lăng quăng Aedes là những yếu tố nguy cơ cao góp phần cho sự phát triển của véc tơ truyền bệnh, làm gia tăng khả năng bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới. Bệnh tay - chân - miệng là một trong những bệnh dịch lưu hành, có mức độ phổ biến cao tại tỉnh ta, mầm bệnh đã tồn tại sẵn trong cộng đồng, môi trường tự nhiên kết hợp với các yếu tố bất thường như sự biến đổi khí hậu với điều kiện thời tiết cực đoan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một số vi sinh vật gây bệnh đường ruột và một số bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng. Về một số bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh (sởi, rubella, bạch hầu, ho gà), tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc và có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Tại tỉnh ta cũng đã ghi nhận các ca mắc sởi, rubella, ho gà ở một số huyện, thị xã, thành phố; trong điều kiện phát triển du lịch thương mại hiện nay, cũng như tỷ lệ di dân biến động cao là các yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát tại tỉnh. Tình hình dịch dại đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước, riêng khu vực phía Nam đã có 21 ca tử vong tại 8 tỉnh và 92 ổ dịch dại trên chó, mèo. Tỉnh ta ghi nhận 1 ca mắc và đã tử vong, kèm theo ghi nhận một vài dấu hiệu cảnh báo về các sự kiện chó cắn người tại các huyện, thị xã, thành phố, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người trong cộng đồng.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Quang Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết:

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục ưu tiên giám sát, xử lý triệt để các bệnh dịch lưu hành như: bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết Dengue, bệnh truyền nhiễm có vắc xin (đặc biệt là sởi); tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, xử lý dịch chủ động, không để chậm trễ làm dịch lây lan ra diện rộng, tốn nhiều kinh phí, nguồn lực nhưng hiệu quả không cao làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ thông tin và xử lý các bệnh lây truyền từ động vật sang người như liên cầu lợn, dại, cúm A; tăng cường hoạt động tìm kiếm tích cực hằng tuần tại các bệnh viện và đơn vị điều trị, đặc biệt là các bệnh mới nổi và tái nổi; tăng cường các hoạt động tuyên truyền để toàn thể các cấp, các ngành và người dân hiểu, nâng cao vai trò và trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, đôn đốc các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn trọng điểm trên từng huyện, giám sát chặt chẽ các điểm trường mẫu giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ trong việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống tay - chân - miệng trong nhà trường; chuẩn bị đầy đủ kinh phí giám sát, xử lý, đảm bảo đủ vật tư, máy phun, hóa chất, trang thiết bị, đáp ứng theo nhu cầu phòng, chống dịch.

Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã đạt được một số kết quả đáng kể, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn. Điều này, đòi hỏi hoạt động phòng, chống dịch bệnh cần phải tăng cường sự chủ động, tích cực của ngành chuyên môn, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân để công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

HOÀNG PHÚC