Nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Theo dõi Báo Sóc Trăng điện tử trên
HOÀNG PHÚC 06:06, 09/12/2024

STO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Nhiều người nhiễm HIV đã tình nguyện tham gia đồng hành triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, công tác phòng chống HIV/AIDS đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, tính từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại thị xã Vĩnh Châu vào năm 1994 đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 4.127 trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống và 1.703 người tử vong, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện là 5.830 trường hợp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xét nghiệm phát hiện 192 trường hợp nhiễm HIV; đối tượng tập trung chủ yếu vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (53,6%). Tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) qua giám sát phát hiện có xu hướng tăng trong những năm gần đây 16% (năm 2016) lên 28,9% (năm 2019) và tiếp tục tăng lên 61,9% (năm 2022). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM qua giám sát trọng điểm năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng là 19,3%, số liệu này tương đồng với các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Huỳnh Ngọc Hân - Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) thông tin: “Trên 50% số ca phát hiện mới HIV trong những năm gần đây là đối tượng MSM, đa số MSM nhiễm HIV ở độ tuổi trẻ (từ 15 - 34 tuổi), khu vực thành thị nhiều hơn nông thôn”.

Trước tình hình đó, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Võ Quốc Trứ - Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết:

Ở Sóc Trăng, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trong nhiều năm qua trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, Sở Y tế đã chỉ đạo toàn ngành triển khai hàng loạt các hoạt động tăng cường thông tin, giáo dục truyền thông, tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng vào các nhóm quần thể đích...

"Ngành Y tế triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp trên nhóm có hành vi nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới thông qua chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch, cấp phát bao cao su, chất bôi trơn do mạng lưới đồng đẳng viên thực hiện. Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cũng được triển khai đồng bộ, giảm hành vi lây nhiễm HIV ra cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương; kiện toàn 18 cơ sở xét nghiệm sàng lọc và 5 cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV; đảm bảo cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh thanh toán qua bảo hiểm y tế; thực hiện tốt việc quản lý người nhiễm HIV trên địa bàn”.

Qua đó, từ đầu năm 2024 đến nay có 3.742.705 lượt người được truyền thông về HIV/AIDS trên toàn tỉnh; 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo giám sát dịch HIV/AIDS; triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế cho 12.261 đối tượng nguy cơ cao, có 146 trường hợp HIV dương tính. Hoạt động điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) được duy trì liên tục; đang điều trị cho 76 bệnh nhân nghiện heroin. Tính đến ngày 30/9/2024, số bệnh nhân lũy tích tham gia điều trị là 285 trường hợp; có 12 trường hợp điều trị thành công và sống hòa nhập với cộng đồng. Toàn tỉnh có 27 đồng đẳng viên tiếp cận các nhóm đối tượng nguy cơ. Trong năm 2024, tỉnh mở rộng thêm 4 cơ sở điều trị PrEP, nâng tổng số là 9 cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn toàn tỉnh; số khách hàng đang điều trị PrEP là 1.175 trường hợp. Trên địa bàn tỉnh đang quản lý 2.296 bệnh nhân điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV) tại 14 cơ sở. Có 31 bệnh nhân đang dự phòng lao tiềm ẩn và 23 bệnh nhân được điều trị đồng thời lao/HIV; 1.946 hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn (85%).

 

Mặc dù nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đạt và vượt so với các chỉ tiêu được giao, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Đó là, nguồn kinh phí viện trợ vẫn chiếm phần lớn, điều này cho thấy, để thực hiện được các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo mục tiêu quốc gia thì tỉnh Sóc Trăng đứng trước thách thức lớn về tài chính trong bối cảnh nguồn tài trợ từ các dự án nước ngoài cắt giảm và đi đến kết thúc. Công tác mua sắm đấu thầu các vật tư, thuốc và trang thiết bị có nhiều thủ tục, qua nhiều giai đoạn, làm cho thời gian kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai hoặc không thể triển khai theo kế hoạch; công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành của một số ban ngành chưa thông suốt.

Thành công trong thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không chỉ đến từ nỗ lực riêng của ngành y tế mà còn có sự chung tay của toàn xã hội. Để đạt được những thành tựu cho ngày mai, mỗi người chúng ta hãy phát huy vai trò của mình trong việc lan tỏa những thông điệp tích cực về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Và hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ để cùng nhau đi đến một thành công lớn với thông điệp “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 đã đề ra.

HOÀNG PHÚC