Bác sĩ Đỗ Phước Đạt - Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Phóng viên: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết vai trò của vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ em?
Bác sĩ Đỗ Phước Đạt: Vi chất dinh dưỡng là những yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của trẻ. Các vitamin và khoáng chất này hỗ trợ sự tăng trưởng thể chất, phát triển trí tuệ và duy trì hệ miễn dịch. Thiếu hụt các vi chất quan trọng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, vitamin A hỗ trợ thị lực, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Khi thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, dễ mắc bệnh, suy giảm miễn dịch và có nguy cơ giảm thị lực.
Sắt tham gia sản xuất hồng cầu, cung cấp oxy cho các mô và hỗ trợ phát triển não bộ. Khi thiếu sắt gây thiếu máu, mệt mỏi, kém tập trung, giảm khả năng học tập, chậm phát triển trí tuệ.
Kẽm thúc đẩy tăng trưởng chiều cao, phát triển cơ thể và tăng cường sức đề kháng. Khi thiếu kẽm gây chậm lớn, còi cọc, suy giảm miễn dịch, làm trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy và viêm phổi.
I-ốt có vai trò quan trọng cho chức năng tuyến giáp, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và phát triển trí não. Khi thiếu I-ốt gây bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm khả năng học tập, thậm chí có thể gây đần độn ở trẻ nhỏ.
Vitamin D hỗ trợ hấp thụ canxi và phospho, cần thiết cho sự phát triển xương và răng. Khi thiếu vitamin D gây còi xương, chậm mọc răng, dễ bị gãy xương và tăng nguy cơ loãng xương khi trưởng thành.
Canxi có vai trò xây dựng xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ chức năng thần kinh và cơ bắp. Hậu quả khi thiếu Canxi gây chậm lớn, loãng xương, dễ gãy xương và ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể toàn diện.
Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ lành vết thương và hấp thụ sắt. Hậu quả khi thiếu vitamin C dễ bị bầm tím, chảy máu nướu, giảm sức đề kháng và chậm lành vết thương.
Tóm lại, vi chất dinh dưỡng đóng vai trò như "công cụ xây dựng" giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Việc thiếu hụt bất kỳ vi chất nào cũng đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Do đó, chế độ ăn uống đủ chất và cân đối là nền tảng để trẻ em phát triển khỏe mạnh.
Phụ huynh cho trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi được uống vitamin A đúng quy định trong các đợt chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao. Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Phóng viên: Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ em. Như vậy, khi nào thì trẻ cần đi khám dinh dưỡng để giúp trẻ phát triển toàn diện?
Bác sĩ Đỗ Phước Đạt: Trẻ cần đi khám dinh dưỡng khi trẻ chậm phát triển, trẻ không đạt được các cột mốc phát triển như tăng cân, tăng chiều cao so với tiêu chuẩn theo độ tuổi.
Trẻ có biểu hiện suy dinh dưỡng hoặc thừa cân; trẻ có dấu hiệu gầy yếu, da xanh xao, tóc khô xơ; tăng cân nhanh bất thường, khó vận động.
Biểu hiện thiếu vi chất dinh dưỡng: thiếu máu (da xanh, mệt mỏi, ăn uống kém); thiếu vitamin A (khô mắt, giảm thị lực); thiếu kẽm (chậm lớn, ăn uống không ngon miệng, dễ mắc bệnh).
Rối loạn tiêu hóa kéo dài: đi ngoài phân lỏng, đầy bụng, táo bón thường xuyên; các bệnh lý nền: hen suyễn, dị ứng thực phẩm, bệnh tiêu hóa hoặc bệnh mãn tính khác. Trẻ có nhu cầu đặc biệt: sinh non, nhẹ cân hoặc trẻ trong giai đoạn phục hồi sau bệnh nặng.
Phóng viên: Các vấn đề này được can thiệp y tế ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Đỗ Phước Đạt: Trẻ được đánh giá tình trạng dinh dưỡng như: đo chiều cao, cân nặng, tính toán chỉ số khối cơ thể; khám tổng quát để phát hiện những dấu hiệu của suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu vi chất (sắt, kẽm, vitamin D, vitamin A…).
Nhân viên y tế xây dựng chiến lược điều trị cụ thể cho từng trẻ tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng hiện tại, tình trạng thiếu vi chất, điều kiện kinh tế - xã hội và thói quen sinh hoạt; sử dụng các chế phẩm bổ sung vi chất (sắt, vitamin D, vitamin A, đa vi chất, canxi…) nếu khám thấy có biểu hiện thiếu hụt, hoặc đánh giá khẩu phần ăn có thiếu hụt. Nhân viên y tế hỗ trợ dinh dưỡng qua thực phẩm: người chăm sóc sẽ được hướng dẫn khẩu phần ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh, thịt, cá, sữa, trứng; tư vấn các loại thực phẩm cần tăng cường hoặc hạn chế tùy theo bệnh lý.
Trẻ được dùng thuốc (nếu cần) để điều trị bệnh lý nền (ví dụ: thiếu máu do thiếu sắt, nhiễm giun, chán ăn… điều trị các vấn đề tiêu hóa nếu ảnh hưởng đến hấp thụ dinh dưỡng: nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, kém hấp thu…).
Nhân viên y tế đánh giá lại hiệu quả can thiệp, điều chỉnh kế hoạch dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn phát triển của trẻ.
Tư vấn, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, giúp phụ huynh theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Phóng viên: Để phòng, chống các bệnh về dinh dưỡng trẻ em, giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện, bác sĩ có khuyến cáo gì cho các bậc phụ huynh?
Bác sĩ Đỗ Phước Đạt: Để phòng, chống các bệnh về dinh dưỡng trẻ em, phụ huynh cần thực hiện chế độ ăn cân đối và đa dạng: bổ sung đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm. Phụ huynh hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, muối, chất béo bão hòa, hoặc các loại thực phẩm đóng gói sẵn; nên ăn đa dạng mỗi buổi ăn nên đủ 5 trong 8 nhóm thực phẩm, không nên ăn quá nhiều 1 nhóm thực phẩm cố định: ví dụ như uống quá nhiều sữa, ăn quá nhiều nhóm chất béo, hoặc ăn quá nhiều nhóm tinh bột sẽ gây ra các bệnh lý liên quan dinh dưỡng.
Đồng thời, phụ huynh nên khuyến khích hoạt động thể chất cho trẻ, tạo thói quen vận động hằng ngày, hạn chế thời gian trẻ ngồi xem tivi, sử dụng thiết bị điện tử; thường xuyên đo chiều cao, cân nặng và so sánh với tiêu chuẩn, tham khảo bác sĩ khi phát hiện bất thường. Đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đầy đủ để phòng ngừa các bệnh lý ảnh hưởng đến hấp thụ dinh dưỡng; tránh ép trẻ ăn hoặc tạo áp lực, tập cho trẻ ăn uống đúng giờ, đúng lượng. Phụ huynh cần sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin D và canxi theo khuyến cáo, đặc biệt với trẻ ít tiếp xúc ánh nắng.
Đặc biệt, phụ huynh cho trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi được uống vitamin A đúng quy định trong các đợt chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao.
Việc phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và bác sĩ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!
HOÀNG PHÚC (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin