Khoa Phục hồi chức năng được thành lập từ tháng 10/2017, là một chuyên khoa sâu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, có nhiệm vụ khám và điều trị bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, bao gồm cả bệnh nội trú và ngoại trú, hướng dẫn các bài tập về nhà và cách sử dụng dụng cụ trợ giúp. Khoa phối hợp với các khoa lâm sàng tập vật lý trị liệu tại giường…
Khoa Phục hồi chức năng có nhiệm vụ khám và điều trị bệnh bằng phương pháp vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Trần Thị Hoàng Kim - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng cho biết: “Phục hồi chức năng là một giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với những bệnh nhân phải trải qua di chứng như tai biến, đột quỵ, tai nạn lao động… cần được thực hiện ngay khi có thể để hạn chế những biến chứng muộn như bất động, người thực vật… Do đó, nếu người dân gặp vấn đề về sức khỏe như đau lưng, đau cổ gáy, đau vai gáy, đau tay chân, tê tay chân hoặc sau phẫu thuật có đau, phù nên đến Khoa Phục hồi chức năng để được thăm khám và tư vấn”.
Hiện tại, khoa có 24 nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa 1, 6 bác sĩ, 1 cử nhân vật lý trị liệu, 15 kỹ thuật viên cao đẳng vật lý trị liệu. Khoa thực hiện điều trị các bệnh lý về yếu liệt chi, rối loạn nuốt, thất ngôn; cứng khớp sau gãy xương, sau phẫu thuật chỉnh hình; các bệnh lý cơ xương khớp; các bệnh lý đĩa đệm cột sống; các bệnh lý liên quan đến thần kinh; vật lý trị liệu hô hấp cho bệnh nhân COPD, hen phế quản, viêm phế quản; bại não. Khoa thực hiện hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp cho người bệnh; tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về phục hồi chức năng, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp.
Kỹ thuật viên Quách Anh Thư - Khoa Phục hồi chức năng cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là chăm sóc, tập phục hồi chức năng cho người bệnh, theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Mặc dù áp lực công việc không nhỏ nhưng chúng tôi luôn hết mình phục vụ, giao tiếp ứng xử phải đúng mực, niềm nở, để người bệnh quên đi nỗi đau bệnh tật. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi thêm bệnh lý nên khó khăn khi hòa nhập, khi đó, cần phải giao tiếp, gần gũi như người thân, như là con cháu đối với ông bà, cha mẹ; động viên để họ tích cực điều trị, tập luyện, bình phục để nhanh chóng trở về với cuộc sống, sinh hoạt đời thường”.
Mỗi ngày, phòng khám ngoại trú tiếp nhận điều trị ngoại trú từ 70 - 80 lượt bệnh nhân; trung bình mỗi ngày, thực hiện từ 300 - 400 thủ thuật. Bác sĩ Chuyên khoa 1 Trần Thị Hoàng Kim cho biết thêm: “Khoa giúp bệnh nhân được phục hồi chức năng toàn diện hơn; giúp làm giảm tỷ lệ người tàn tật một cách đáng kể, giúp người bệnh có cơ hội hội nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, bình đẳng tham gia các hoạt động của gia đình và xã hội, có cuộc sống bình thường tối đa so với hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Cũng như đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân và tạo được niềm tin nơi người bệnh, từng bước xây dựng uy tín cho khoa nói riêng và bệnh viện nói chung”.
Bà Hồ Thiên Quý, Phường 7 (thành phố Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, đã điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng được một thời gian rồi. Sau mỗi đợt điều trị bằng vật lý trị liệu thấy ổn, không cần phải uống thuốc tuần sau tai biến; đến đây có nhiều dụng cụ phù hợp với nhiều bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên y tế rất nhiệt tình hướng dẫn cho bệnh nhân, thái độ luôn niềm nở. Không phải riêng tôi, rất nhiều người bệnh khi vào khoa điều trị đều rất hài lòng vì sự tiến bộ này”.
Thời gian qua, Khoa Phục hồi chức năng với nhiều cố gắng đã giúp làm giảm tỷ lệ người tàn tật một cách đáng kể, giúp người bệnh có cơ hội hội nhập hoặc tái hòa nhập xã hội, bình đẳng tham gia các hoạt động của gia đình và xã hội, có cuộc sống bình thường tối đa so với hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Từ đó, khoa đã góp phần tạo niềm tin về chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, góp phần cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
HOÀNG PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin