Điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần lộ trình phù hợp

07:14, 28/06/2024

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới tính hai yếu tố: Chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Cách tính này sẽ ảnh hưởng lớn đến các bệnh viện cũng như chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện các nghị quyết của Ðảng, Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm hài hòa các bên và có lộ trình hợp lý.

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật bằng robot cho người bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Các bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật bằng robot cho người bệnh ung thư đường tiêu hóa.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: “Từng bước chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 thì quy định giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí: Chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí quản lý. Nghị định số 60/2021/NÐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra lộ trình giá dịch vụ các đơn vị sự nghiệp công trong đó có dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là: “Ðến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá)”.

Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đã chỉ đạo các bộ, trong đó có Bộ Y tế: “Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là đối với việc điều chỉnh học phí, tính chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý vào dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”.

Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BYT và Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023, trong đó mức giá gồm hai yếu tố: (1) Chi phí trực tiếp (chi phí điện, nước, duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị…) và (2) nhân công (tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng); chưa tính yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Trong khi đó, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định cũng là các khoản chi thường xuyên để duy trì các hoạt động bình thường của cơ sở y tế.

Do đó, việc chưa tính đủ các yếu tố chi phí vào giá ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện; việc chưa tính chi phí khấu hao vào giá dẫn đến việc nhiều cơ sở y tế không có nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư, mua sắm bổ sung trang thiết bị, phát triển kỹ thuật. Hầu hết trang thiết bị y tế hiện nay được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư trung hạn, nguồn quỹ phát triển sự nghiệp, tuy nhiên, các nguồn vốn này thấp, không đáp ứng nhu cầu của đơn vị và không phải cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào cũng có tích lũy để tạo lập quỹ phát triển sự nghiệp. Về lâu dài, trang thiết bị và cơ sở vật chất của các bệnh viện sẽ xuống cấp nếu không được đổi mới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Bảo hiểm y tế là một trong ba trụ cột của an sinh xã hội nên Nhà nước đã quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Việc tính đủ sẽ đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh góp phần khuyến khích người dân ý thức tham gia bảo hiểm y tế. Bởi nếu người dân không tham gia bảo hiểm y tế, khi đi khám bệnh, chữa bệnh sẽ phải chi tiền túi nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Ðiều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế tính toán mức độ tác động của các yếu tố chi phí quản lý, chi phí khấu hao vào giá.

Bộ Y tế cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành đánh giá tác động CPI, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định thời điểm cụ thể để tính yếu tố chi phí quản lý, chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Dự kiến, trong năm 2024, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý; từ năm 2025 trở đi, trên cơ sở xem xét, đánh giá sẽ nghiên cứu để từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

MINH HOÀNG/ BÁO NHÂN DÂN