Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu

05:56, 14/07/2024

STO - Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/7/2024, cả nước có ca bệnh bạch hầu xuất hiện ở 3 tỉnh, gồm: Nghệ An, Bắc Giang và Hà Tĩnh, trong đó đã có ca tử vong và nhiều ca nghi ngờ do tiếp xúc gần với ca bệnh, nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao. Vì vậy, mỗi người dân chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Tập huấn giám sát và lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi năm 2024 tại Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với vết thương trên da của người bệnh, đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: KIỀU PHÚC

Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Người mắc bệnh bạch hầu sau khi hồi phục vẫn có khả năng mắc bệnh, nên cũng cần phải tiêm các liều vắc xin theo khuyến cáo để củng cố khả năng phòng bệnh.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: sốt, đau họng, ho, khàn tiếng, hạch góc hàm sưng đau, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà hoặc xám. Giả mạc dai, dính, khó bóc, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra còn có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân.

Hầu hết các biến chứng, kể cả tử vong đều do tác dụng của độc tố bạch hầu, các biến chứng bao gồm: viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở. Viêm cơ tim và viêm dây thần kinh là những biến chứng thường gặp nhất. Suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong tổng thể đối với bệnh bạch hầu là 5 - 10%. Những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi có tỷ lệ tử vong cao hơn (lên tới 20%).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng tại địa phương, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khẩn trương tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh và lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Ngoài ra, Bác sĩ Nguyễn Văn Thêm cũng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, như: đưa trẻ đi tiêm các vắc xin phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc sử dụng kháng sinh dự phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Vì vậy, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu.

 KIỀU PHÚC