Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, tỉnh, thành phố đã ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố thuộc Chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở, trọng tâm là công tác lập quy hoạch và thiết kế đô thị, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng chiến lược như: Dự án Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 và 2, Dự án Xử lý rác thành phố Sóc Trăng và các vùng lân cận, Dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng, Dự án Đường Vành Đai I, đường Vành Đai II, Khu tái định cư số 1, phường 4, Khu tái định cư phường 8, Dự án Nhà ở công nhân thuộc Khu dịch vụ và cư xá công nhân Khu Công nghiệp An nghiệp... Đến nay, thành phố đã lập quy hoạch đạt 92,48% trên nền diện tích hiện trạng là 7.599,15ha (trong đó phần ổn định quản lý chỉnh trang có diện tích 319,3 ha; phần quy hoạch phân khu có diện tích 6.281,94ha; quy hoạch chi tiết là 427,71ha). UBND thành phố đang lập quy hoạch phân khu 5F, phường 5, chiếm 7,52%, khi hoàn thành sẽ phủ kín lấp đầy 100% nền diện tích hiện trạng. Đáng chú ý, tháng 4/2022, thành phố Sóc Trăng được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Lãnh đạo thành phố Sóc Trăng khảo sát thực tế các công trình, dự án trọng điểm. Ảnh: LÊ VŨ
Trên cơ sở quy hoạch, thành phố tập trung hỗ trợ công ty, doanh nghiệp các dự án lớn của tỉnh triển khai trên địa bàn để đảm bảo việc triển khai thuận lợi và đúng nội dung đầu tư của các doanh nghiệp; chủ động xây dựng, đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư theo từng giai đoạn phát triển của thành phố. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh; tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hiện nay thành phố Sóc Trăng có 62 sản phẩm của 26 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh được chứng nhận OCOP cấp tỉnh (có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 59 sản phẩm đạt 3 sao).
Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực cho công tác đào tạo, dạy nghề trong thành phố. Triển khai hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề may, cơ khí chế tạo, chế biến nông, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… Từ 2021 - 2022, thành phố đã chiêu sinh và mở 27 lớp dạy nghề với các ngành nghề: may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Thực hiện tốt công tác này góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tính riêng năm 2022, thành phố giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%, tương đương 150 hộ, hiện thành phố còn 342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,51%, dự kiến trong năm 2023 giảm 0,5%.
Cùng với phát triển kinh tế, thành phố thường xuyên chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa, vệ sinh trường lớp và nhân sự, đảm bảo việc dạy và học đạt hiệu quả cao. Công tác chăm lo sức khỏe người dân; phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm triển khai. Các chính sách an sinh xã hội được chỉ đạo thực hiện tốt.
Với mục tiêu hướng đến chính quyền điện tử, 2 năm qua, thành phố thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng. Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch, công khai, bình đẳng; tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường; nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu xây dựng “Chính phủ điện tử”, “Chính phủ số”; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Hiện nay, thành phố Sóc Trăng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, tương tác thông qua ứng dụng Thành phố Sóc Trăng Smart - kết nối đồng bộ 121 camera tại 76 vị trí để quản lý, xử lý các vấn đề về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội, phản ánh hiện trường (IOC),… tiến tới kết nối đồng bộ Trung tâm Xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm vụ Sóc Trăng. Đây đều là những nền tảng cho việc phát triển thành phố thông minh, bước đầu đã ghi nhận được những kết quả tích cực, xử lý kịp thời, nhanh chóng hơn với các phản ánh, kiến của người dân. Từ khi trung tâm bắt đầu đi vào hoạt động đến nay đã tiếp nhận và xử lý kịp thời 239 ý kiến phản ánh, góp ý của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, việc thành lập nhóm Zalo Công ích đô thị với 174 thành viên, đến nay đã tham gia phản ánh, kiến nghị và phối hợp xử lý hơn 1.000 thông tin, hình ảnh.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, thành phố Sóc Trăng tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng các khu tái định cư tập trung trên địa bàn thành phố Sóc Trăng để tạo quỹ đất bồi thường tái định cư cho các dự án đường Vành Đai I, Vành Đai II, đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường dẫn kết nối thành phố Sóc Trăng vào Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các dự án khác trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết các chế độ, chính sách nhà ở, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, bảo đảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng, phù hợp cho người dân.
Huy động mọi nguồn lực triển khai các hạng mục công trình theo Chương trình phát triển đô thị, các tuyến đường trọng tâm phát triển trong các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu đã phê duyệt. Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch hành chính, từng bước xây dựng nền hành chính đô thị hiện đại.
LÊ VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin