IAF diễn ra tại Indonesia. (Ảnh KESBANGPOL) |
Với các thỏa thuận hợp tác ký kết tại Bali, Indonesia trở thành một “điểm hẹn” hợp tác mới của các nước châu Phi, trong đó tập trung vào các ưu tiên gồm chuyển đổi kinh tế, năng lượng, khai thác mỏ, an ninh lương thực, y tế và phát triển bền vững.
Với chủ đề “Tinh thần Bandung vì Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi”, Indonesia mong muốn qua diễn đàn này, tinh thần Bandung được thông qua từ Hội nghị Á-Phi hồi năm 1955 sẽ làm nền tảng để tiếp tục phát triển hợp tác giữa Indonesia và các nước châu Phi. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp diễn trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nhiều nhất, Indonesia cam kết sẽ tăng cường đoàn kết với các nước châu Phi, cùng nhau hợp tác theo hướng ưu tiên phát triển toàn cầu một cách toàn diện và bền vững.
Tại các phiên làm việc, Indonesia và các nước châu Phi cùng đối tác, các bên liên quan đã thảo luận những vấn đề hướng đến mục tiêu quan trọng hàng đầu là chuyển đổi hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 với hướng đi và tầm nhìn mới, chiến lược mới.
Trong khuôn khổ hoạt động kết nối kinh doanh tại hai diễn đàn, Indonesia và các nước châu Phi thiết lập cam kết hợp tác kinh doanh trong những lĩnh vực y tế, dược phẩm, vaccine (khoảng 94,2 triệu USD); năng lượng, cơ sở hạ tầng điện, khai thác khí đốt (1,4 tỷ USD) và lương thực, sản xuất phân bón (1,2 tỷ USD)…
Bà Amalia Adininggar Widiasanti, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia cho biết, trong khuôn khổ IAF lần này, Indonesia và các nước châu Phi cũng ký kết một số biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác chiến lược, như phát triển năng lượng địa nhiệt với Tanzania; thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ y tế với Ghana và nghị định thư về việc mua và bảo trì máy bay với Congo và Senegal; Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp chiến lược với Nam Phi, Congo, Senegal…
Theo Thứ trưởng Amalia, kết quả cụ thể của diễn đàn thể hiện sự hiệu quả của các cuộc gặp gỡ và những hành động mang tính chuyển hóa trong chiến lược hợp tác. Hai bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đạt được những hợp tác cụ thể cũng như những kế hoạch tiếp theo trong tương lai.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, khu vực này là lục địa có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới. Nền kinh tế châu Phi cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực ở mức 3,7% vào năm 2024 và 4,3% vào năm 2025. Ðiều này phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của Indonesia được dự đoán là 5,3% năm 2024 và 5,2% năm 2025.
Theo Cơ quan Ðiều phối đầu tư Indonesia, nước này đầu tư 2,09 tỷ USD vào các quốc gia quan trọng ở châu Phi và một số công ty Indonesia có hoạt động tại 8 quốc gia châu Phi. Các khoản đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dầu khí, dược phẩm, hàng tiêu dùng… Trong khi đó, đầu tư của châu Phi vào Indonesia đã đạt 1,73 tỷ USD. Indonesia cũng đang thúc đẩy các hiệp định đầu tư song phương với châu Phi.
Trong khuôn khổ IAF cũng diễn ra Diễn đàn Nghị viện Indonesia-châu Phi (IAPF) với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện Indonesia-châu Phi vì phát triển”. Diễn đàn này được kỳ vọng có thể mang lại lợi ích cho người dân cả hai khu vực trong việc ứng phó những thách thức toàn cầu, cũng như đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng.
Tại diễn đàn, Indonesia và các nước châu Phi vạch ra kế hoạch hợp tác trong tương lai trong nhiều lĩnh vực cùng quan tâm. Một số lĩnh vực then chốt đóng vai trò là trọng tâm hợp tác giữa hai bên, bao gồm phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường an ninh lương thực và phát triển nền kinh tế số. Ngoài ra, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế và chính trị cùng việc xem xét vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển cộng đồng cũng là những vấn đề được bàn thảo.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia, bà Puan Maharani nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác nghị viện để thúc đẩy quan hệ toàn diện hơn nữa giữa quốc gia Ðông Nam Á này và châu Phi. Bà cho biết, Indonesia sẵn sàng trở thành đối tác của châu Phi để hướng tới mục tiêu đưa Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Tương tự, Chương trình nghị sự 2063 sẽ đưa châu Phi trở thành một khu vực thịnh vượng của thế giới trong tương lai.
Nguồn: BÁO NHÂN DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin