Tổ chức Di cư Quốc tế giúp tăng cường ứng phó với dịch tả ở Nam Sudan

Đình Đức 21:00, 05/01/2025

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hôm qua cho biết, họ đã tăng cường ứng phó với đợt bùng phát dịch tả đang diễn ra ở Nam Sudan bằng các nguồn cung cấp viện trợ quan trọng.

Học sinh ở Nam Sudan được học về tầm quan trọng của việc rửa tay để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tả và các bệnh khác. (Ảnh: UNICEF)
Học sinh ở Nam Sudan được học về tầm quan trọng của việc rửa tay để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tả và các bệnh khác. (Ảnh: UNICEF)

Muhammad Assar, Trưởng phòng Hoạt động của IOM cho biết, những viên thuốc có tên gọi Aqua Tabs đã giúp làm sạch nước dùng cho nhu cầu thiết yếu ở đây. Đó là một phần trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh tả, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do lũ lụt, khiến người dân bị hạn chế trong việc tiếp cận nước sạch và dịch vụ y tế.

"Với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hỗ trợ nhân đạo, chúng tôi đang làm việc không ngừng để cung cấp các dịch vụ y tế và vệ sinh quan trọng cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất", Assar cho biết trong một tuyên bố được đưa ra tại Juba, thủ đô của Nam Sudan.

IOM cũng tuyên bố, họ đã gia tăng các biện pháp can thiệp về nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân tại các khu vực trọng điểm như trung tâm trung chuyển Renk, trại IDP và các địa điểm ở Bentiu và Malakal. Đây là những nơi mà IOM cung cấp nước cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Theo UNHCR, Nam Sudan có hơn 460.000 người tị nạn, chủ yếu đến từ Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia. Hầu hết người tị nạn sống ở khu vực phía Bắc và đã ở đất nước này hơn một thập kỷ.

Cũng theo IOM, họ đang gia tăng các biện pháp can thiệp để cung cấp nước dùng cần thiết tại một số khu vực của các thị trấn lân cận như Rubkona, Bentiu và Malakal, đặc biệt tập trung vào các cơ sở y tế, trung tâm điều trị bệnh tả và các khu vực ổ dịch tả khác được xác định là không có nguồn nước sạch. Tại các khu vực phải di dời và có nguy cơ cao, chiến dịch khử trùng và chương trình nâng cao nhận thức về vệ sinh cộng đồng được triển khai, trong đó tập trung vào việc hướng dẫn người dân rửa tay, xử lý nước an toàn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tả.

IOM cho biết, nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Y tế Nam Sudan, họ đã tiếp cận được hàng nghìn trường hợp cần trợ giúp từ khi tuyên bố dịch bùng phát được đưa ra ngày 28/10/2024. Tuy nhiên nhu cầu thực vẫn còn rất lớn.

IOM cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ Nam Sudan và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho hệ thống y tế của Nam Sudan và các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN