Với mong muốn giúp hộ dân trong ấp còn nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, ông Sang lấy mình làm minh chứng vượt khó, vươn lên làm giàu. Ông Sang kể: “Ban đầu tôi chỉ làm 2 vụ lúa trong năm. Phần đất ruộng cũng không nhiều, rồi mướn thêm để làm, giờ tôi thuê mướn với đất nhà được 60 công. Làm lúa muốn có dư thì phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, rồi lựa chọn giống lúa chất lượng cao mới có lời. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm làm lúa, rồi mình chỉ lại cho mọi người để đạt năng suất cao, bán được giá cao. Bình quân mỗi vụ tôi thu nhập 150 triệu đồng”.
Ông Trần Hữu Sang - Bí thư Chi bộ ấp Tam Sóc A, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ghi chép, theo dõi, định lượng phần việc đã làm. Ảnh: NGỌC HẢI
Ngoài ra, tận dụng diện tích sau nhà ông làm chuồng nuôi bò sữa và bò thịt; dành 4 công đất trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Nói về mô hình này, ông chia sẻ: “Nghe nhiều hộ nuôi bò hiệu quả nên tôi cũng thử để phổ biến kinh nghiệm với người dân trong ấp. Mình cứ ra rả nói mô hình này hiệu quả lắm mà không thử trước thì khó thuyết phục. Với lại, đầu tư con bò giống đâu phải số tiền nhỏ. Nhất là cách chăm sóc bò, nuôi bò cái sinh sản là phải nắm chắc kỹ thuật để khi người dân có hỏi, tôi thông tin đầy đủ. Nhiều năm qua, tôi cũng khá thành công với mô hình nuôi bò sữa, bò thịt. Mới đây, tôi xuất chuồng 6 con, thu được 150 triệu đồng. Hiện chuồng còn 13 con”.
Rồi ông khoe thêm, có thời điểm ông vắt sữa bò bán kiếm 10 triệu đồng chỉ trong 15 ngày. Những hộ nào muốn mua bò giống về nuôi, ông bán với giá rẻ và hướng dẫn cách chăn nuôi hiệu quả. Hiện nay, hộ dân ở đây phất lên cũng nhờ chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Tính đến nay, ấp còn 2 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Còn nhớ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông bỏ tiền túi mua gạo chở đến từng nhà cho hơn 10 hộ hoàn cảnh khó khăn, do nhiễm Covid-19 phải cách ly tại nhà.
Với các phong trào ở địa phương, ông triển khai ra dân hiểu mục đích, ý nghĩa của từng phong trào, để người dân nắm mà đồng tình hưởng ứng. Là người dân tộc Khmer, ông tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer phát huy sức mạnh đoàn kết, chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển; giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer. Những năm qua, người dân ấp Tam Sóc A luôn đồng lòng, chung sức trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các phong trào thi đua ở địa phương. Trong đó, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, làm hàng rào, lắp bóng đèn trước nhà, tạo cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Người dân còn tích cực tham gia ngày công lao động xây dựng cầu giao thông nông thôn.
Với sự nỗ lực của mình, ông đã gặt hái nhiều thành tích, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận Lê Phát Út Lớn khen ngợi: “Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, kinh nghiệm, đồng chí Sang đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Các phần việc giao đồng chí làm đều được thực hiện tốt. Đồng chí gần gũi với người dân, quan tâm hỗ trợ kịp thời những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phong trào rất hiệu quả. Bên cạnh đó, đồng chí còn là Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp trách nhiệm. Mỗi năm, tổ hòa giải 1 - 2 vụ, phần lớn hòa giải thành. Với những đóng góp của đồng chí, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mỹ Thuận tặng giấy khen đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2022, đồng chí Sang nhận bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền 2017 - 2021”.
NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin