Gương sáng cựu chiến binh vượt khó làm kinh tế giỏi

04:34, 24/07/2024

STO - Khi trở về cuộc sống đời thường, phần lớn các cựu chiến binh (CCB) khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, nhiều CCB đã vượt lên gian khó để phát triển kinh tế gia đình ngày càng ấm no, sung túc.

CCB Lê Văn Nưng, ấp An Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Ảnh: THÚY LIỄU

Tiếp khách trong căn nhà khang trang, CCB Lê Văn Nưng, ấp An Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) kể ông sinh ra và lớn lên ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi tại quê nhà. Công việc của ông lúc bấy giờ là làm giao liên và đi thăm dò đường để cho các chiến sĩ cách mạng đi hành quân qua các tuyến đường luôn đảm bảo an toàn. 4 năm sau, đất nước thống nhất, ông chuyển công tác đến Ban Chỉ huy Quân sự huyện Long Phú với công việc chính là làm liên lạc và tuyển quân.

Năm 1980, ông lập gia đình. Khi ấy, đời sống kinh tế của gia đình ông rất khó khăn, không có đất sản xuất. Tích lũy được ít tiền lương công tác ở Huyện đội Long Phú, ông mua heo sinh sản rồi nuôi vịt chạy đồng. Có lợi nhuận từ chăn nuôi, ông Nưng mua 2 con trâu đi cày ruộng thuê cho người dân tại địa phương. Phần tiền tiết kiệm được, ông Nưng mua đất để trồng cây ăn trái và canh tác lúa, với diện tích gần 6ha. Ruộng lúa được sản xuất 2 vụ/năm, còn vườn cây ăn trái được trồng dừa, cây hạnh (tắc). Thu nhập từ vườn cây và ruộng lúa của ông Nưng mỗi năm hơn 350 triệu đồng.

Tiếp tục “hành trình” gặp gỡ CCB làm kinh tế giỏi, chúng tôi đến huyện Kế Sách, tìm đến nhà CCB Huỳnh Văn Tuấn, ấp An Phú, thị trấn Kế Sách. Đưa khách tham quan vườn vú sữa tím đã cho thu hoạch trái được 2 năm, ông Tuấn tâm tình: "Mảnh đất này trước kia toàn là lung, đìa, tôi đã mất rất nhiều năm cải tạo cho đất bằng phẳng để trồng các loại cây ăn trái. Diện tích đất vườn trồng cây ăn trái là 8.000m2, trong đó phân nửa trồng dừa và cây hạnh, phần còn lại trồng vú sữa tím. Dưới ao vườn thả nuôi các loại cá để tăng thêm thu nhập. Tôi còn nuôi 5 con heo nái sinh sản để tạo nguồn giống nuôi bán heo thịt. Mô hình vườn, ao, chuồng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình hơn 340 triệu đồng/năm".

CCB Huỳnh Văn Tuấn, ấp An Phú, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bên vườn vú sữa tím đem về nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/năm cho gia đình ông. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhắc đến những năm tháng tuổi trẻ, cống hiến cho cách mạng, ông Tuấn hồ hởi: "Tôi tham gia cách mạng năm 15 tuổi, với công việc là làm giao liên ở quê nhà huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Năm 17 tuổi, tôi chuyển về huyện Mỹ Xuyên làm công tác binh vận được 2 năm thì chuyển sang Tiểu đoàn Phú Lợi làm công tác hậu cần, cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi về xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên) tham gia công tác tại xã đội. Công tác một thời gian ở xã đội, do cuộc sống gia đình khó khăn, vì vùng đất nước mặn nhiều tháng trong năm, chỉ làm lúa 1 vụ/năm, nên tôi bán hết ruộng đất đến ấp An Phú, thị trấn Kế Sách sinh sống. Tại vùng đất mới, tôi tiến hành cải tạo đất trồng các loại cây ăn trái, chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt để tạo ra nguồn thu nhập. Thời gian rảnh, tôi còn đi làm thuê và tiếp tục tham gia phong trào tại địa phương đã 32 năm qua".

Giờ ông đã 67 tuổi nhưng vẫn đang làm trong tổ bảo vệ dân phố của thị trấn Kế Sách. Hiện tại, đời sống gia đình ông đã ổn định, có nguồn thu nhập cao từ trồng trọt và chăn nuôi nên ông tích cực tham gia các hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

“CCB Huỳnh Văn Tuấn là một trong những hội viên gương mẫu trong việc sản xuất giỏi của Huyện hội, giai đoạn 2019 - 2024. Với mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của hội viên Tuấn, hội đã giới thiệu đến các hội viên học hỏi, làm theo. Ngoài sản xuất giỏi, hội viên Tuấn còn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương…”, đồng chí Nguyễn Hoàng Chuẩn - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Kế Sách đánh giá.

Rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, những người lính Cụ Hồ vẫn luôn giữ truyền thống tốt đẹp của người lính là không ngại gian lao, vất vả, vượt qua mọi khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt là khi trở về địa phương, nhiều hội viên CCB hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động, góp phần bồi đắp thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong thời bình.

THÚY LIỄU