17 tuổi, thanh niên Trần Văn Hồng tham gia đội du kích địa phương. Năm 1970, ông bị địch bắt chuyển về giam ở Khám lớn Sóc Trăng, qua Khám lớn Cần Thơ, sau đó đày đi Nhà tù Phú Quốc. Đến tháng 3/1973, ông mới được tự do, trở về đất liền. Những năm tháng nơi “địa ngục trần gian”, ông luôn giữ vững lập trường, kiên định con đường cách mạng. Ông Hồng kể lại: “Khi tôi bị bắt, đứa con lớn của tôi mới 8 tháng tuổi. Trong những ngày bị giam cầm, dù địch ra sức dụ dỗ hay chuyển qua tra tấn dã man nhưng tôi vẫn một lòng chọn con đường mình đã đi là theo cách mạng, quyết giữ bí mật, không khai báo, thỏa hiệp với địch. Trước sau như một, tôi luôn hướng về quê hương và mong muốn đất nước thống nhất, hòa bình”.
Ông Trần Văn Hồng - Ủy viên Thường trực Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung xem lại hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chính sách của hội viên. Ảnh: NGỌC HẢI |
Khi đất nước hòa bình, ông trở về quê lập nghiệp. Được cha mẹ cho 5 công đất ruộng, vợ chồng ông chăm chỉ làm, dư được bao nhiêu thì tích góp mua đất thêm. Khi cây lúa thu nhập không còn cao, ông chuyển sang trồng mía, cây ăn trái. Nhờ tính chịu khó, ham học hỏi nên kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển.
“Từ 5 công đất ban đầu, gia đình tôi tích lũy mua thêm hiện nay được 40 công đất. Trước tôi trồng mía, nhưng làm mía không trúng, tôi chuyển qua trồng nhãn da bò. Thời gian chờ cây cho trái, tôi lấy ngắn nuôi dài, trồng xen canh thêm ớt, đậu xanh, cà… nên thu nhập quanh năm. Khi nhãn thu hoạch được, bình quân mỗi năm tôi bán trên 20 tấn, thu về tầm 200 triệu đồng. Nhờ làm ăn có hiệu quả mà năm 2013, vợ chồng tôi xây dựng nhà mới khang trang”.
Ông Trần Văn Hồng cho biết
Không chỉ lo làm kinh tế, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động tại địa phương. Là người có tiếng nói tại địa phương, nên có thời gian ông làm Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Bình Du B, xã An Thạnh 2. Đa số các vụ việc, tổ đứng ra hòa giải đều thành. Đến năm 2010, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Cù Lao Dung thành lập, ông được phân công giữ chức Chủ tịch Hội. Ngày đầu thành lập, hội gặp không ít khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn chế. Ông cùng với Ban Chấp hành Hội lên kế hoạch khắc phục những khó khăn trên và tham mưu, đề xuất với UBND huyện tăng thêm kinh phí hoạt động. Mặt khác, ông tham gia vận động các nguồn lực để gây quỹ thăm viếng những hội viên bị bệnh, từ trần. Ông cùng với Ban Chấp hành Hội tích cực hướng dẫn hội viên làm hồ sơ để được hưởng chế độ chính sách dành cho chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Về điều này, ông Hồng chia sẻ điều mình canh cánh: “Hội viên ai cũng tuổi cao, sức khỏe kém do năm tháng trong nhà lao bị tra tấn, hành hạ với nhiều loại cực hình. Điều mà anh em mong mỏi lúc này là được xét hưởng chế độ người có công, đó là niềm vinh dự của anh em. 10 năm (2010 - 2020), với vai trò là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện, tôi đã hướng dẫn và trực tiếp làm hồ sơ cho hội viên hưởng chế độ chính sách được 96/316 người. Khi không còn là Chủ tịch Huyện hội, tôi vẫn tiếp tục là Ủy viên Thường trực Huyện hội, để tiếp tục công việc này. Cái khó hiện nay, nhiều anh em mất hết giấy tờ, không nhớ khi bị bắt giam đã khai tên gì (trước đây, anh em không khai báo tên thật), giờ chỉ còn những người từng bị bắt giam cùng làm chứng thôi. Tôi cũng liên hệ và gửi hồ sơ cho cơ quan chức năng trích lục để anh em sớm được hưởng đầy đủ chế độ chính sách”.
Rồi ông Hồng liệt kê những trường hợp khó mà ông đã giúp làm được. Như trường hợp ông Đinh Văn Liêu, ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung. Trong hồ sơ gốc, tên ông là Liêu, nhưng trong giấy tờ tùy thân của ông hiện nay lại tên là Liên. Vì vậy, ông Hồng đã liên hệ Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh chuyển hồ sơ qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trích lục hồ sơ để đối chiếu mới hoàn thành hồ sơ để ông Liêu hưởng chế độ chính sách. Ngày nhận được tiền trợ cấp, ông Liêu vui mừng lắm, vì ông thuộc hộ nghèo. Số tiền đó giúp gia đình ông trang trải các chi phí sinh hoạt gia đình.
Qua trò chuyện với ông Hồng, ông cũng nêu lý do vì sao 75 tuổi rồi mà ông vẫn 1 tuần 5 ngày, 1 ngày 2 buổi đến cơ quan làm việc.
Ông Trần Văn Hồng trải lòng: “Gia đình có đất sản xuất nhưng giờ tuổi cao, tôi giao cho con cái làm hết. Tôi làm việc ở Huyện hội, mỗi tháng được 2,5 triệu đồng. Điều tôi vẫn gắn bó với Huyện hội là mong muốn mình góp phần công sức để giúp những anh em, những cựu tù chính trị sớm được hưởng đầy đủ chính sách. Còn sức khỏe là tôi vẫn còn làm”. |
NGỌC HẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin