Tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Học không bao giờ cùng”

XUÂN HƯƠNG 05:53, 06/10/2024

STO - Những năm qua, Sóc Trăng đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từng cá nhân, gia đình, cộng đồng, đơn vị ra sức thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Trong số đó, có gia đình cô Lê Thị Hồng Liệt, Phường 2, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng).

Cô Lê Thị Hồng Liệt là một giáo viên được trưởng thành từ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ nhỏ, cô đam mê học tập và ước mơ được trở thành cô giáo để đem cái chữ đến cho mọi người. Đó chính là động lực giúp cô vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để biến ước mơ thành sự thật. Gặp cô vào một buổi chiều tại nhà riêng, niềm nở mời khách vào nhà, cô cho biết: “Cô năm nay đã 75 tuổi rồi nhưng thấy đi lại cũng còn khá ổn nên tiếp tục tham gia cùng các hội, đoàn thể ở địa phương, đóng góp được gì trong khả năng có thể thì cô sẵn sàng”. Vội xếp mấy cuốn sổ đang ghi chép về hoạt động của hội, cô kể cho tôi nghe chuyện của những ngày mình vượt qua “mưa bom bão đạn” để được tiếp cận cái chữ.

Cô Lê Thị Hồng Liệt là tấm gương sáng tiêu biểu trong phong trào “Học không bao giờ cùng”. Ảnh: XUÂN HƯƠNG
Cô Lê Thị Hồng Liệt là tấm gương sáng tiêu biểu trong phong trào “Học không bao giờ cùng”. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Cô sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng - nơi kháng chiến ác liệt. Cũng như bao đứa trẻ khác, cô và các bạn cùng trang lứa khao khát cái chữ đến quặn lòng, mơ ước được biết đọc, biết viết, biết làm toán như mơ ước được món hàng xa xỉ. Rồi từ học “lóm”, học “ké” gom góp dần dần cô được xóa mù chữ.

Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, cô chính thức được cắp sách đến trường. Ngày ngày, cô và các bạn học phải mang lá ngụy trang trên người để tránh máy bay giặc. Có khi đang học, máy bay giặc bắn phá, dội bom ngay lớp học, thầy phải dìu học trò chạy ra hầm để tránh bom. Xong lại trở vô lớp tiếp tục bài học dở dang.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhưng với lòng hiếu học, cầu tiến, cô đã vượt lên để có kiến thức tốt - nâng cao thêm lòng yêu nước. Cô được chọn đi học trường sư phạm của tỉnh; rồi trở thành cô giáo năm 16 tuổi. Được phân công giảng dạy nhiều thế hệ, nhiều đơn vị khác nhau nhưng dù ở thời đạn bom ác liệt hay hòa bình, nhiệm vụ nào cô cũng nỗ lực hoàn thành. Rồi cô lập gia đình, chồng cô cũng là một giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục. Cô Hồng Liệt trải lòng: “39 năm đứng trên bục giảng, góp nhiều công sức đào tạo cho bao thế hệ trưởng thành, điều mà tôi tâm niệm nhất là phải học để có vốn kiến thức, có hiểu biết mới làm tốt nhiệm vụ của người công dân và làm chủ được cuộc sống”.

Chính từ tâm niệm đó mà vợ chồng cô Hồng Liệt đã nuôi dạy các con, cháu nên người, nỗ lực học tập, chăm chỉ lao động. Hiện con trai cô là tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; 1 con gái là giáo viên dạy ngoại ngữ tại Trung tâm Ngoại ngữ; 1 là giáo viên Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú Huỳnh Cương. Cháu ngoại của cô cũng đang là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Với tinh thần “học không bao giờ cùng”, cô và gia đình đã vượt qua mọi khó khăn phấn đấu vươn lên trong phong trào “Tự học, tự rèn” và đã đạt được kết quả như: Bằng khen Gia đình hiếu học tiêu biểu năm 2004 của Hội Khuyến học Việt Nam; Gia đình hiếu học của tỉnh Sóc Trăng năm 2005; Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2001 - 2006 của tỉnh Sóc Trăng năm 2007… Vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn và trao cho gia đình cô suất học bổng cho người lớn - Học không bao giờ cùng. Đây là niềm vinh dự, khích lệ tinh thần hết sức lớn lao đối với gia đình. Cô dùng số tiền này đóng góp vào quỹ hỗ trợ của Trường Cấp 2 Tây Đô - một trong những ngôi trường ngày xưa cô tham gia học tập và trưởng thành…

Hiện tại, tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn phát huy truyền thống hiếu học, tìm tòi, học hỏi thêm nhằm nâng cao trình độ hiểu biết trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện đại. Rồi tham gia Câu lạc bộ gia đình văn hóa, Câu lạc bộ hưu trí, hội người cao tuổi, công tác Mặt trận,… cùng chung tay, chung sức với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Khắc ghi lời dạy của Bác với tinh thần - học không bao giờ cùng, gia đình cô Lê Thị Hồng Liệt là tấm gương hết sức tiêu biểu, đáng được biểu dương nhân rộng trong phong trào xây dựng xã hội học tập của tỉnh.

XUÂN HƯƠNG