Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, chị Huỳnh Thị Lan là hình mẫu của cán bộ Thanh tra với sự chính trực, tâm huyết và tận tuỵ. Chị Lan thuộc thế hệ công chức của cơ quan Thanh tra tỉnh Sóc Trăng vào những năm đầu tái lập tỉnh và gắn bó đến nay. Điều này, đủ chứng minh sự tâm huyết với nghề. Bởi những năm đầu khi tái lập tỉnh (năm 1992) và đi vào hoạt động, các đơn vị thanh tra gặp rất nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, đội ngũ cán bộ còn thiếu, tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo khá phức tạp. Tuổi trẻ, chị đã lao vào tìm tòi nghiên cứu; đặt cái tâm, nghề và trách nhiệm lên vai. Từ vai trò chuyên viên, rồi thanh tra viên, chị Lan luôn tâm niệm: “Bản thân luôn kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh ở cơ sở và phải có tinh thần đấu tranh xây dựng nội bộ”.
Từ ý thức cao dẫn đến hành động quyết liệt, trong 10 năm qua (2013 - 2024), bản thân chị Lan đã tham gia và trực tiếp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo nhiều đoàn thanh tra, đặc biệt là làm trưởng đoàn 41 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội (đạt và vượt kế hoạch đề ra). Quan trọng, kết luận thanh tra luôn khách quan, trung thực, không chèn ép các đối tượng thanh tra, cũng như không để oan sai, không bỏ sót các sai phạm. Qua thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm, kiến nghị chấn chỉnh nhiều hạn chế trên các lĩnh vực, được đối tượng thanh tra đồng tình, cấp trên chấp thuận và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện.
![]() |
Đồng chí Huỳnh Thị Lan - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: SỚM MAI |
Đồng thời, quan thanh tra đã chỉ ra sai phạm tổng số tiền 104 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 57,1 tỷ đồng, kết quả thu hồi hằng năm đạt trên 90%, đề nghị xử lý 55 tập thể, 643 cá nhân, chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ 6 vụ. Thực tế, thanh tra không chỉ kịp thời khắc phục những sai sót, mà còn giúp các đối tượng thanh tra hiểu rõ hơn về các văn bản quy định pháp luật, giúp tỉnh giảm bớt các khoản thất thoát về ngân sách; kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉnh sửa các văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, khó thực hiện... Về chất lượng, hầu hết các đoàn thanh tra đều kết thúc đúng thời gian và kế hoạch đề ra, đạt chất lượng cao, các đơn vị được thanh tra đều thống nhất với kết luận thanh tra và thực hiện nghiêm các kết luận. Khi ở vai trò là trưởng đoàn thanh tra, chị luôn đứng nơi “đầu sóng ngọn gió” chịu trách nhiệm trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành đoàn thanh tra, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra mà các thành viên đoàn thanh tra không giải quyết được. Đặc biệt, bản thân và thành viên đoàn luôn “giữ mình” trước sự cám dỗ của xã hội.
“Nội lực” mạnh, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, vào tháng 8/2019, chị Lan được bổ nhiệm Phó Chánh Thanh tra tỉnh. Chức vụ luôn đi liền với trách nhiệm và chị không phụ lòng kỳ vọng của mọi người. Ở công tác thanh tra lĩnh vực nội chính, văn hóa - xã hội, chị Lan đã chỉ đạo, điều hành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả
Không những vậy, chị Lan còn là một tấm gương về tinh thần học tập. Xuất phát từ đại học chuyên ngành Tài chính - Kế toán, giờ đã có trong tay nhiều văn bằng, chứng chỉ, nhất là Thạc sĩ Luật. Nhờ sự tìm tòi, nghiên cứu học tập mà trong 10 năm, chị đã cho ra đời 10 sáng kiến cấp cơ sở và được UBND tỉnh công nhận 4 sáng kiến cấp tỉnh.
Mỗi sáng kiến là sự tâm huyết của nữ thanh tra, vì cái chung, vì trách nhiệm và vì tập thể như: “Một số biện pháp để nâng cao chất lượng một cuộc thanh tra kinh tế xã hội”; “Xây dựng một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra nội chính, văn hóa - xã hội tại Thanh tra tỉnh Sóc Trăng”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác của trưởng đoàn thanh tra”; “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra lại”; “Một số giải pháp nâng cao nghiệp vụ thu thập chứng cứ thanh tra bằng phương pháp chất vấn đối tượng thanh tra”; “Xây dựng quy trình thanh tra ngân sách huyện”; “Nâng cao hiệu quả công tác chuyển hồ sơ và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự trong hoạt động thanh tra”; “Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, chỉ đạo của trưởng đoàn thanh tra đối với các đoàn thanh tra liên ngành”; “Nâng cao hiệu quả áp dụng trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra theo Thông tư số 06/2021/TT-TTCP”; “Nâng cao hiệu quả tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra của trưởng đoàn thanh tra hành chính”.
Chị Lan chia sẻ: “Thanh tra là công cụ không thể thiếu trong quản lý Nhà nước. Người cán bộ thanh tra trước hết phải gương mẫu, có tâm trong sáng và có đạo đức cách mạng. Các phẩm chất không thể thiếu khi thực hiện công tác thanh tra đó chính là công tâm, khách quan, bản lĩnh chính trị vững vàng, không vụ lợi cá nhân. Bản thân tôi không ngừng phấn đấu và rèn luyện để xứng đáng với câu nói của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”.
Mặc dù khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, chị Lan luôn đảm bảo hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao. Bản thân chị có lối sống giản dị, lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu mưu lợi cá nhân và có tinh thần giữ gìn đoàn kết nội bộ. Với tinh thần nhiệt huyết, tận tụy với nghề và thành tích đạt được, chị Lan là tấm gương tiêu biểu của ngành Thanh tra Sóc Trăng.
SỚM MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin