Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thị xã Ngã Năm

05:05, 31/10/2024

STO - Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 7,6% trong tổng số dân toàn thị xã, khoảng trên 6.200 người. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, thời gian qua thị xã Ngã Năm đã tăng cường mở các lớp dạy nghề, qua đó mang lại những kết quả tích cực.

Mở lớp đan đát thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO
Mở lớp đan đát thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng). Ảnh: CHÍ BẢO

Trong 9 tháng của năm 2024 đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 33 lớp với 678 học viên, đạt 84,78% kế hoạch. Các nghề được đào tạo tại thị xã gồm: đan đát thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp, tin học văn phòng, nuôi thủy sản, thú y…

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã Ngã Năm khảo sát nguyện vọng của người dân, đặc biệt vùng có đông đồng bào Khmer của thị xã có nhu cầu học nghề và mở các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Trong 9 tháng của năm 2024 đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 33 lớp với 678 học viên, đạt 84,78% kế hoạch. Các nghề được đào tạo tại thị xã gồm: đan đát thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp, tin học văn phòng, nuôi thủy sản, thú y… Các lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp được mở ở các xã, phường thuận tiện cho người dân không phải di chuyển xa, người học nghề sơ cấp, dưới 3 tháng được hỗ trợ 100% chi phí học nghề, được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong thời gian học nếu ở xa địa điểm học nghề, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm cho biết:

Qua đánh giá các lớp dạy nghề, có từ 95% lao động qua đào tạo có việc làm, chủ yếu tại địa phương, tại hộ gia đình như: đan đát thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp…

Là xã có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) đã giúp người dân thấy được lợi ích thiết thực và hiệu quả của việc tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, đã làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy người dân tham gia các lớp học nghề ngày càng đông, có cơ hội tiếp cận việc làm và có thu nhập để phát triển kinh tế gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Phước Hữu ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới không đất sản xuất. Nhờ ông tham gia lớp học nghề đan đát được tổ chức tại xã nên ông có việc làm, đời sống gia đình ông đã phát triển hơn trước. Đặc biệt, nếu như trước kia gia đình ông làm thuê, làm mướn sống qua ngày, thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày, thì từ khi tham gia vào nghề đan đát, thu nhập đã ổn định dần. Hiện nay, trừ các khoản chi phí sinh hoạt, gia đình tích lũy được khoảng 200.000 đồng/ngày.

Còn anh Ngô Vũ Hùng cùng ở xã Vĩnh Quới, gia đình có 4 thành viên. Nếu như trước đây sản xuất 3 công đất lúa kém hiệu quả, chi tiêu gia đình khó khăn, thì nay, nhờ chính quyền địa phương mở lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật trồng cây mãng cầu gai nên gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng cây mãng cầu gai. Hiện gia đình có hơn 300 gốc mãng cầu đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm đem về lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thanh Thúy - Tổ trưởng tổ đan đát của Hợp tác xã MCF xã Mỹ Quới thông tin, từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ hợp tác xã hướng dẫn cho hàng trăm xã viên làm nghề gia công các sản phẩm rổ, giỏ xách, vật dụng gia đình… sử dụng nguyên liệu cỏ năn tượng để làm hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện Hợp tác xã MCF tạo việc làm (thu nhập ổn định) cho trên 400 lao động địa phương.

Chị Thúy cho biết: “Tôi hỗ trợ các lớp dạy gia công hàng thủ công mỹ nghệ từ năn tượng, cung cấp nguyên liệu cho xã viên và thu mua lại sản phẩm giao cho Hợp tác xã MCF. 1 tuần tôi gom hàng 1 lần, trung bình mỗi xã viên thu nhập từ 900.000 - 1.000.000 đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình”.

Ông Phạm Văn Thạch ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) năm nay 72 tuổi, nhận nguyên liệu về nhà làm, thu nhập gần 1 triệu đồng/tuần. Ảnh: CHÍ BẢO
Ông Phạm Văn Thạch ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) năm nay 72 tuổi, nhận nguyên liệu về nhà làm, thu nhập gần 1 triệu đồng/tuần. Ảnh: CHÍ BẢO

Ông Phạm Văn Thạch ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới chia sẻ: “Tôi năm nay 72 tuổi, tham gia học lớp gia công hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu năn tượng khoảng 1 tháng, nay đã làm thành thạo. Tôi nhận nguyên liệu về nhà làm, thu nhập 1 tuần cũng được gần 1 triệu đồng. Công việc rất phù hợp với người lớn tuổi như tôi, không nặng nề, không tốn nhiều sức”.

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền thị xã Ngã Năm quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhu cầu thực tiễn. Qua đó đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trong công tác huy động, vận động lao động tham gia các lớp cũng gặp một số khó khăn như: lao động có mặt tại địa phương chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi (trên 40 tuổi) bận công việc đồng áng, chăm lo gia đình…; số lao động chưa qua đào tạo nghề có mặt tại địa phương không nhiều (lao động trẻ đi làm ăn xa), trong khi đó tỷ lệ qua đào tạo hiện đạt 66% lao động trong độ tuổi; số lao động chưa qua đào tạo hiện sống rải rác, nên việc vận động tập trung để mở lớp cũng cần thời gian, mở lớp phải ghép các ấp, khóm lân cận…

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề, thời gian tới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm rà soát, tổng hợp, đánh giá số lượng, nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm để tham mưu, phối hợp thực hiện sát nhu cầu thị trường, chuyển dịch kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu, năng lực và uy tín trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo. Đây được xem là hướng đi căn cơ, bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông nhân rộng các mô hình hiệu quả; qua đó tạo sức lan tỏa thu hút người lao động tham gia học nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống hộ gia đình.

Đồng chí Nguyễn Văn Vũ cũng chia sẻ: “Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và đào tạo nghề cho lao động nói chung gắn với định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thời gian tới, trung tâm đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học… để đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, đào tạo. Trang bị mới trang thiết bị dạy và học, trong đó có thiết bị đào tạo nghề, vì hiện nay hầu hết đã được thanh lý (do đầu tư giai đoạn 2008 - 2010). Bổ sung biên chế giáo viên (kể cả giáo viên dạy văn hóa và dạy nghề), vì không có giáo viên nên phải thỉnh giảng là chủ yếu".

Có thể thấy rõ lợi ích của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khi người học đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo để tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm. Từ đó đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

CHÍ BẢO