Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần giải quyết việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

QUANG BÌNH 04:57, 28/11/2024

STO - Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có dân số 81.115 người, với 19.567 hộ, trong đó dân tộc Khmer có 5.382 người, chiếm 6,63%. Kinh tế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là sản xuất nông nghiệp, số ít làm nghề kinh doanh, buôn bán. Trong những năm qua, với nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần rất lớn trong giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thị xã Ngã Năm, qua đó góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Với đức tính cần cù, chịu khó, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Ngã Năm luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đóng góp sức người, sức của, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nguồn vốn thì được Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã xem xét, giải quyết cho vay và từ nguồn vốn này đã có nhiều tấm gương vượt khó thoát nghèo.

Vốn vay từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ gia đình thực hiện mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: QUANG BÌNH

Điển hình trong đó là gia đình chị Lý Thị Bích Thủy, ở ấp Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Chia sẻ về quá trình vượt khó, thoát nghèo của gia đình, chị Thủy cho biết, năm 2012, gia đình chị còn là hộ Khmer. Vợ chồng ra ở riêng chỉ có 2 công đất nông nghiệp, 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn nên đời sống hết sức khó khăn. Vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn hằng ngày để nuôi sống cả gia đình và cho các con đi học. Tuy nhiên, các con ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt ngày càng nhiều, có những lúc cả hai thật sự bế tắc không biết làm gì để có cuộc sống tốt hơn.

Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã giới thiệu nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để tôi học tập. Lúc đầu, tôi thấy mô hình chăn nuôi gà là phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. Tuy nhiên thiếu vốn đầu tư nên không thể thực hiện được mô hình. Tôi chia sẻ khó khăn của mình với Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thanh, được các chị giới thiệu cho vay vốn hỗ trợ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số từ NHCSXH. Rồi tham gia dự án biến đổi khí hậu, được dự án hỗ trợ vốn sản xuất nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi gà bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tăng thu nhập cho gia đình,

Chị Lý Thị Thủy cho biết thêm

Với suy nghĩ vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng chị Thủy đã dần mở rộng diện tích, tăng số lượng chăn nuôi nên từ đó đã cho thu nhập ngày càng ổn định. Các con của chị được đến trường, học xong trung học phổ thông thì các cháu được học nghề và đến nay đã lập gia đình, có nghề nghiệp ổn định. Chị Thủy vui mừng cho biết thêm: “Không dừng lại ở đó, tôi mở rộng thêm mô hình nuôi ếch và nuôi cá lóc vèo. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng tôi bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho cá, ếch nhằm giảm chi tiêu, tăng lợi nhuận. Vợ chồng tôi đã tiết kiệm mua thêm được 12 công ruộng, nhà cửa được xây dựng kiên cố, tổng thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm”.

Nhờ sự đồng hành về vốn từ NHCSXH mà nhiều hộ gia đình đã thực hiện thành công các mô hình chăn nuôi. Ảnh: QUANG BÌNH

Với sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể và NHCSXH mà nhiều hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Ngã Năm đã thực hiện thành công các mô hình kinh tế. Như hộ ông Võ Văn Quạnh, hộ ông Ngô Thiện Tính cùng ở xã Vĩnh Quới thu nhập ổn định từ chăn nuôi heo sinh sản, nuôi vịt xiêm Pháp.

Đồng chí Nguyễn Việt Chín - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm cho biết:

Hiện trên địa bàn thị xã có 42 khách hàng vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP với tổng dư nợ cho vay trên 2 tỷ đồng. Theo đó, việc cho vay hỗ trợ nhà ở đã góp phần cải thiện điều kiện sống của hộ dân trên địa bàn, việc cho vay chuyển đổi ngành nghề đã góp phần giúp các hộ vay vốn phát triển kinh tế, ổn định sinh kế…

Để các chính sách tín dụng ưu đãi đi vào cuộc sống, Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 làm cơ sở để triển khai cho vay. Cùng với đó, Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ngã Năm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về những nội dung căn bản của Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đến các đối tượng thụ hưởng. Ngân hàng còn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác để rà soát đối tượng cho vay, kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng.

Nhận thức các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số có tầm ảnh hưởng rộng lớn và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra về giảm nghèo tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, nên thời gian qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với NHCSXH trong rà soát, nắm bắt đối tượng thụ hưởng, đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để xây dựng kế hoạch vốn và tập trung giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng.

Theo đó, đến quý III năm 2024, đơn vị đã giải ngân cho 1.526 khách hàng, với số tiền gần 64 tỷ đồng, trong đó đối với dự án 1 về nhà ở đã giải ngân cho 719 khách hàng, số tiền gần 27 tỷ đồng; chuyển đổi nghề với 806 khách hàng, số tiền 37 tỷ đồng.

 

Việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có vốn làm ăn tại chỗ, tạo thêm việc làm tại địa phương, giảm thất nghiệp, ổn định đời sống, góp phần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước.

QUANG BÌNH