Chuyện sinh kế vùng nông thôn và những cánh tay nâng

NGỌC HẢI 08:10, 12/12/2024

STO - Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm cao của hộ dân vượt khó, thoát nghèo. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã triển khai và thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm số hội viên nghèo, cận nghèo, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Kỳ 3: Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn

Với tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và khát vọng làm giàu, nhiều hội viên, phụ nữ đã thực hiện các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Không chỉ vậy, các chị còn tạo việc làm cho lao động nông thôn, để họ có thể ổn định cuộc sống, không phải đi làm ăn xa, thu nhập bấp bênh.

Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả

Nối nghiệp gia đình, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Thương, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm đã đầu tư 6 công đất đào 3 ao trồng rau nhút. Bình quân cứ 10 ngày chị cắt rau 1 lần, mỗi lần cắt liên tục 2 ngày. Số lượng rau thu về mỗi tháng khoảng 3 tấn, giá bán từ 9.000 - 12.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, bình quân mỗi tháng chị bỏ túi hơn 12 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Thương, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có nguồn thu nhập ổn định từ cây rau nhút. Ảnh: NGỌC HẢI
Chị Nguyễn Thị Kim Thương, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có nguồn thu nhập ổn định từ cây rau nhút. Ảnh: NGỌC HẢI

Việc trồng rau nhút nói dễ không dễ mà khó không khó. Loại rau này trồng phải giữ nước cho sạch, cách 10 ngày phải thay nước 1 lần. Ngoài nguồn thu chính từ rau nhút, chị còn tận dụng nước trao ao nuôi cá, vớt bèo bán, có đồng vô đồng ra chi tiêu trong gia đình. Ở xã Mỹ Quới rất nhiều hộ trồng rau nhút vì có hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Thị Kim Thương chia sẻ.

Những mô hình làm kinh tế có hiệu quả được Hội LHPN thị xã Ngã Năm tổng hợp để triển khai đến hội viên, phụ nữ, nhất là những chị em hoàn cảnh khó khăn. Các chị sẽ học hỏi, lựa chọn mô hình phù hợp với khả năng để thực hiện. Theo đó, hội đã nhân rộng các mô hình như: trồng năn, trồng nấm rơm của hội viên phụ nữ ở các xã, phường; chăn nuôi bò, nuôi heo của hội viên, phụ nữ xã Mỹ Bình; nuôi vịt xiêm Pháp ở xã Vĩnh Quới, xã Tân Long, xã Long Bình; trồng sen của hội viên Phường 1; mô hình trồng màu ở xã Tân Long; trồng rau nhút ở xã Mỹ Quới; nuôi lươn, trồng màu của hội viên Phường 3...

Ngoài ra, các cơ sở hội đã thành lập được 10 tổ hợp tác chăn nuôi, đan lục bình, trồng nấm rơm, có tổng số 239 thành viên. Hội LHPN thị xã còn hỗ trợ 12 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp (trong đó 6 chị đăng ký khởi nghiệp, 6 chị khởi sự kinh doanh). Ngay từ đầu năm, hội hỗ trợ hướng dẫn cho 6 hội viên đăng ký 6 sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức hỗ trợ như đăng ký nhãn hiệu, cung cấp tiêu chí và quy trình phân hạng các sản phẩm OCOP... Kết quả được công nhận 3 sản phẩm OCOP 3 sao cấp thị xã.

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn

Các mô hình kinh tế hiệu quả không chỉ đem lại nguồn thu cho hội viên, phụ nữ mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. “Mỗi đợt cắt rau nhút, tôi thuê ít nhất 5 người, nhiều nhất 14 người để cắt rau, buộc rau, vớt bèo với giá 1 giờ làm việc 25.000 đồng. Tính chung mỗi người có thể kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày”, chị Nguyễn Thị Kim Thương, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới cho biết.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên, phụ nữ đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: NGỌC HẢI

Khi tới đợt thu hoạch rau nhút, chị Lương Thị Thu Ba, ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Quới có thể kiếm khoảng 200.000 đồng/ngày. Hết làm ao rau này chị sang ao rau khác làm vì 1 tháng người trồng chỉ cắt 3 lần. Với sự chăm chỉ, chị thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Tuy là công việc thời vụ nhưng chị cũng đã tìm được việc làm tại địa phương, không phải đi làm ăn xa.

Được vợ chồng chị Phạm Thúy Liễu, ấp Long Hòa, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm thuê làm vườn, chị Nguyễn Thị Thu Nga, ấp Long Hòa có nguồn thu nhập ổn định hơn 5 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thu Nga chia sẻ:

Nhà tôi có 10 công ruộng, kể ra thu nhập cũng không đáng kể. Tôi mới xin việc vô làm cho chị Liễu, giờ được 2 năm rồi. Công việc không có gì nặng nhọc: làm cỏ, treo trái dưa, bọc ổi, bẻ trái cây… Mà chị Liễu cũng không nề hà gì, khi nào nhà tôi có việc, tôi xin nghỉ vẫn được.

Chị Phạm Thúy Liễu cho biết, gia đình có 10ha trồng nhiều loại cây ăn trái như: dưa hấu, dưa lưới, xoài, ổi, chanh, bưởi, dừa… nên cần nhiều lao động chăm sóc vườn và thu hoạch trái. Gia đình chị đã tạo việc làm hằng tháng ổn định cho 7 người (4 nam, 3 nữ) với mức thu nhập từ trên 5 triệu đồng đến trên 7 triệu đồng. Còn vào mùa trái chín, nhà chị thuê 30 - 40 người hái trái cây, mỗi người làm 1 ngày được 200.000 - 300.000 đồng.

Cũng theo chị Liễu, vợ chồng chị ở địa phương khác đến đây làm ăn. Khu vườn của gia đình trước đây là đất ruộng, nhiễm phèn, phải bỏ nhiều công chăm sóc thì cây mới cho quả ngọt. Các loại cây ăn trái được vợ chồng chị trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo cung cấp nguồn sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Những mô hình anh chị thực hiện được nhiều người đến tham quan, học tập. Sắp tới, gia đình chị có ý định trồng màu theo hướng hữu cơ kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái, ẩm thực, đờn ca tài tử. Điều này sẽ giải quyết việc làm rất nhiều cho lao động ở nông thôn.

Nhờ những cánh tay nâng của hội phụ nữ đã giúp cho hội viên, phụ nữ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tìm được con đường sinh kế, ổn định cuộc sống. Phát huy kết quả đạt được, Hội LHPN thị xã Ngã Năm sẽ tiếp tục là “mái nhà chung”, kết nối, hỗ trợ, hướng đến mục tiêu nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

NGỌC HẢI