Cựu chiến binh thoát nghèo từ mô hình nuôi dê

KIM NGỌC 05:42, 11/12/2024

STO - Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Tấn Công, sinh năm 1959, ngụ khóm Vĩnh Mỹ, Phường 3, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) mạnh dạn bỏ công việc làm ăn ở xứ người trở về quê chọn khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi dê, bước đầu đã thành công, giúp cuộc sống gia đình ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 1979, chàng trai Huỳnh Tấn Công ở độ tuổi đôi mươi đã tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Sau 3 năm rèn luyện, chiến đấu, năm 1982, anh Công xuất ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình. Khi ra riêng, cha mẹ cho được 2,5 công đất vườn tạp để cất nhà ở và canh tác, vừa tham gia công tác tại địa phương. Để có tiền lo gia đình nhỏ, Huỳnh Tấn Công bắt tay vào công việc nuôi heo, gà, vịt, cá và trồng rau…. Dù tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Đến năm 2002, anh thôi tham gia công tác ở địa phương cùng với gia đình đi Bình Dương xin vào công ty làm công nhân kiếm sống. Tích lũy được ít vốn liếng, con cái trưởng thành, anh Công quyết định đưa gia đình trở về quê cất lại nhà mong muốn ổn định cuộc sống và quyết tâm vượt lên khó khăn.

Ông Huỳnh Tấn Công, khóm Vĩnh Mỹ, Phường 3, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình chăn nuôi dê của gia đình. Ảnh: KIM MGỌC

Khi mới bắt tay vào chăn nuôi dê, anh gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nên dê thường xuyên bị bệnh chết, làm hao hụt một ít. Để giúp hội viên CCB trên địa bàn thị xã chăn nuôi đạt hiệu quả, Hội CCB thị xã thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn. Thế là anh Công tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê nên dần biết cách trị các bệnh thường gặp trên dê, như: tiêu chảy, viêm phổi, tụ huyết trùng… Mặc dù, dê ăn ít hơn bò, nhưng nếu nuôi số lượng nhiều như anh Công thì mỗi ngày cũng phải cần một lượng cỏ, lá cây khá lớn, trong khi cỏ, lá cây vườn nhà không cung cấp đủ cho đàn dê mỗi ngày. Vì vậy, hằng ngày anh Công và con trai phải đi cắt cỏ, lá cây mang về cho dê ăn. Nhờ kiên trì, chịu khó nên việc chăn nuôi của anh mới thành công, mang lại thu nhập chính cho gia đình.

Anh Huỳnh Tấn Công kể lại: “Năm 2022, nhận thấy lợi thế ở quê có nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào sẵn có ở địa phương như: cỏ, mía, lá cây… Thời điểm đó, tôi định nuôi bò, nhưng thấy diện tích đất của nhà không rộng, ít vốn nên chuyển hướng sang nuôi dê thịt và dê sinh sản. Vì thế, tôi mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, thông qua nguồn vốn vay ủy thác của Hội CCB thị xã 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Muốn tìm con giống theo ý muốn, tôi cùng với con trai thuê xe lên tận An Giang bắt giống. Khi dê đẻ, tôi chừa dê cái lại để nhân số lượng lên, còn dê đực nuôi lớn xuất bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Cứ thế đàn dê tăng dần lên từng năm, đến nay trong chuồng lúc nào cũng có từ 20 con dê trở lên. Hiện nay, tôi trả lại tiền vốn đã mượn ban đầu để Nhà nước tiếp tục giúp đỡ những hội viên CCB khác còn khó khăn hơn mình”.

Hôm chúng tôi ghé thăm, được biết anh Công chọn nuôi giống dê Bách Thảo, chuồng trại khá đơn giản, ít tốn kém, nhưng được ông che chắn khá cẩn thận tránh để mưa tạt, gió lùa làm dê dễ mắc bệnh.

Mỗi năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 con, nếu dê khỏe mạnh, thức ăn đầy đủ, dê nuôi từ 5 - 6 tháng đã có thể xuất chuồng với trọng lượng đạt khoảng 25 - 30kg/con. Cách đây mấy hôm, thương lái đến tận nhà bắt 10 con dê thịt với giá cũng khá cao. Mỗi năm, trung bình anh Công xuất bán từ 1 - 2 lứa dê thịt, mỗi lứa khoảng 10 con, thu nhập mỗi năm từ mô hình nuôi dê từ 60 - 80 triệu đồng. Hiện nay, 2 chuồng dê của gia đình anh luôn duy trì nuôi từ 20 con dê các loại trở lên.

Đồng chí Nguyễn Thành Oai - Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Ngã Năm cho biết, CCB Nguyễn Tấn Công là một trong những hội viên gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế gia đình. Việc CCB Công lựa chọn mô hình chăn nuôi dê để phát triển kinh tế là rất nhạy bén, năng động và phù hợp với điều kiện của gia đình. Từ một hộ cận nghèo, nay anh Công thoát nghèo và từng bước vươn lên khá giàu. Với tinh thần không khuất phục trước cuộc sống khó khăn, anh Công là tấm gương để các hội viên CCB khác trên địa bàn thị xã Ngã Năm học tập và làm theo.

KIM NGỌC