Khi mới xuất ngũ trở về địa phương, ông Chi sống cùng với cha mẹ. Đến năm 1987, ông lập gia đình và ra ở riêng, được cha mẹ cho 6 công đất ruộng, vợ chồng cố gắng làm ăn nhưng chẳng có dư dả gì, phải đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Cuộc sống càng khó khăn khi chi phí cho con ăn học ngày một tăng. Vợ chồng ông phải làm lụng quanh năm nhưng không đủ chi phí xoay xở trong gia đình. Nhờ đã được rèn luyện trong môi trường quân đội, trở về với cuộc sống đời thường là thương binh, quyết không cam chịu đói nghèo, ông tìm hiểu và làm nhiều mô hình chăn nuôi để có thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, nhưng những mô hình trên đều cho thu nhập không cao.
Đến năm 2020, ông Chi mới chọn được mô hình chăn nuôi lươn thương phẩm. Trong giai đoạn đầu, ông chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi lươn, nên lợi nhuận thấp. Thế nhưng ông không nản chí nuôi tiếp vụ thứ 2, kết quả vụ nuôi sau khả quan hơn, thu nhập trên 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 40 triệu đồng. Thấy vậy, ông tiếp tục đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô nuôi. Từ đầu năm đến nay, ông nuôi 8.000 con giống, sau 11 tháng nuôi, ông xuất được 2 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí lãi trên 80 triệu đồng. Hiện ông Chi đang nuôi 20.000 lươn thương phẩm, đang phát triển tốt. Dự kiến từ đây đến cuối năm, ông có thể xuất bán 10.000 con lươn.
Ông Trần Văn Chi trao đổi với cán bộ Hội Cựu chiến binh thị xã Ngã Năm về mô hình nuôi lươn của gia đình. Ảnh: KIM NGỌC |
Về công tác xã hội, gia đình ông Chi luôn tham gia đóng góp đầy đủ các quỹ do chính quyền địa phương phát động, như: xây dựng nông thôn mới, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, tham gia trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cùng với việc tích cực lao động sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình ông luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là hội viên CCB, ông luôn tích cực tham gia tốt các phong trào do hội CCB phát động. Hằng năm, gia đình ông đều được công nhận là "gia đình văn hóa" tiêu biểu và CCB gương mẫu nhiều năm liền.
Ông Trần Văn Chi chia sẻ: "Có được những thành quả như ngày hôm nay, gia đình tôi luôn biết ơn cấp ủy, chính quyền địa phương và hội CCB các cấp đã có những chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao; một phần quan trọng là do gia đình tôi luôn chí thú làm ăn và luôn tìm tòi, học hỏi, tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật. Thời gian tới, gia đình tôi đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, tham gia đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội ở địa phương, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn".
Ông Chi luôn tâm niệm rằng cần phải học tập nhiều hơn nữa những kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, để ứng dụng vào trong sản xuất thì mới đạt hiệu quả cao. Để duy trì tốt mô hình sản xuất, trong thời gian tới, gia đình ông Chi sẽ mở rộng thêm, chủ yếu là mô hình nuôi lươn thương phẩm; đồng thời, phổ biến cho nhiều hội viên CCB tham gia để nhân rộng mô hình, vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Nguyễn Thành Oai - Phó Chủ tịch Hội CCB thị xã Ngã Năm cho biết: “Mặc dù là thương binh khá nặng, mất một chân, nhưng ông Chi giàu nghị lực, vượt qua mọi khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, hết lòng với đồng đội và nhân dân. Ông Chi là tấm gương sáng để hội viên học hỏi làm theo”.
Với bản lĩnh và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, ông Chi đã không ngại khó, chí thú làm ăn, từ đó đã thay đổi cuộc sống gia đình và đóng góp cho địa phương bằng đôi tay và nghị lực của mình.
KIM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin