Nghề đan lưới ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) tạo thu nhập cho hộ. Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Làng nghề đan lưới Tân Long (xã Tân Long) đã có trên 30 năm, hiện có gần 20 hộ làm nghề với hàng trăm lao động tham gia. Các thành viên làng nghề được các cấp, các ngành hỗ trợ các điều kiện để mở rộng sản xuất, thành lập cơ sở đan lưới, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Chị Trần Thị Bích, ấp Long Thạnh, xã Tân Long chia sẻ:
Các cơ sở đan lưới có đầy đủ các loại lưới bắt cá khác nhau nên bà con dễ lựa chọn. Nếu ngày thường bán tầm 20 - 50 tấm lưới thì vào mùa nước nổi có khi một ngày bán từ vài chục đến cả trăm tấm lưới. Thu nhập cũng tương đối ổn định. Bà con đan lưới quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch. Bởi thời điểm này là mùa nước nổi, tôm cá dồi dào, bà con cũng vào cuộc mưu sinh, nên nhu cầu đánh bắt thủy sản bằng lưới tăng lên, làng nghề càng thêm tất bật. Được hỗ trợ từ chính quyền các cấp, thời gian qua, cơ sở đan lưới của gia đình tôi đã phát triển tốt, mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động gia công lưới để cung cấp cho thị trường. Kinh tế gia đình tôi cũng đã khấm khá hơn trước nhiều.
Bên cạnh đó, nghề đan lưới ở Tân Long đang là mô hình sinh kế khả dĩ cho người dân ở địa phương, giúp nhiều hộ không có hoặc ít đất sản xuất, ít vốn có thêm thu nhập; giúp nhiều lao động nhàn rỗi có thêm sinh kế, ổn định cuộc sống.
Nghề đan lưới đã góp phần giải quyết được việc làm cho các lao động nhàn rỗi, hộ nghèo. Ảnh: HOÀNG PHÚC |
Anh Ngô Văn Phú, ấp Long Thạnh, xã Tân Long cho hay: “Tôi làm nghề này từ nhỏ, mỗi ngày trung bình tôi đan gia công khoảng 5, 6 tấm lưới, thu nhập khoảng 120.000 - 150.000 đồng, cũng phụ giúp thêm cho thu nhập của gia đình. Có lúc hút hàng, bà con mang về nhà làm thêm vào ban đêm. Chỉ cần học nghề, khéo tay, chịu khó là có thể kiếm thêm thu nhập, già trẻ đều có thể làm được. Đặc biệt là làm tại nhà nên có thể đan bất cứ lúc nào mình muốn”.
Nghề đan lưới đã góp phần giải quyết được việc làm cho các lao động nhàn rỗi, hộ nghèo. Thời gian qua, nhiều hộ làm nghề đan lưới cũng được ngành chức năng hỗ trợ để phát triển nghề, hạn chế việc người dân phải rời quê đi làm ăn xa. Đây cũng là mô hình được lãnh đạo xã Tân Long quan tâm nhân rộng quy mô để giúp người dân trên địa bàn tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống.
Đồng chí Lâm Văn Hiểu - Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết:
Hiện tại, gia công lưới tại địa phương đã góp phần giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Để duy trì nghề truyền thống đan lưới, thời gian tới, xã Tân Long tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành tạo điều kiện cho nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tạo việc làm ổn định.
Với xã thuần nông như xã Tân Long, kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, cùng với sự đầu tư về hạ tầng, thủy lợi, giao thông… từng bước hoàn chỉnh đã đáp ứng tốt cho việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân. Thế nhưng, đối với hộ gia đình ít tư liệu sản xuất, hộ khó khăn thì mô hình đan lưới để có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, thậm chí là nguồn thu nhập chính cho gia đình là một lựa chọn phù hợp, vừa giải quyết việc làm để bà con không phải rời quê đi làm ăn xa, vừa tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
HOÀNG PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin